Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vai trò quản lý

Đan Nhiễm| 23/05/2014 06:05

(HNM) - Ngày 20-5, Bộ Tài chính đã đưa ra quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 1-6.



Theo bảng giá bán buôn tối đa với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em, phần lớn là những mặt hàng sữa loại 900g/hộp, do Bộ này công bố, mức giảm sẽ từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng/hộp so với giá hiện hành. Và các doanh nghiệp (DN) sẽ căn cứ vào đó để xây dựng giá bán lẻ với mức tối đa không cao quá 15% giá bán buôn.

Phải nói rằng thông tin trên đã đáp ứng mong đợi của đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là với những người đang nuôi con nhỏ. Bởi lẽ, trong nhiều năm qua, mặt hàng sữa cho trẻ em ở nước ta được cho là có giá cao nhất thế giới. Tuy nhiên, việc cắt nghĩa vì sao lâu nay vẫn phải mua một mặt hàng được cho là thông dụng đối với trẻ em với giá cao ngất ngưởng lại không đơn giản với các bậc phụ huynh. Sự thật rồi cũng vỡ lẽ khi kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá và thuế tại 5 công ty sản xuất, kinh doanh, phân phối sữa đã chỉ ra 5 DN hàng đầu (chiếm khoảng 90% thị phần cung cấp sữa cho trẻ em) đã có nhiều sai phạm hệ thống, là nguyên nhân trực tiếp đẩy giá sữa lên cao. Cụ thể, các DN đã chi phí "khủng" cho công tác quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị vượt mức quy định của Luật Thuế thu nhập DN lên tới 386 tỷ đồng, làm tăng giá thành, tăng giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, tương ứng từ 2,18% đến 16,39%. Đây chính là "giọt nước tràn ly" khiến Bộ Tài chính phải sử dụng biện pháp mạnh để can thiệp nhằm "dẹp loạn" giá sữa.

Có thể thấy, việc áp giá trần sẽ buộc DN phải tự cân đối, giảm chi phí "phi sản xuất". Thế nhưng, những diễn biến gần đây lại cho thấy rất có thể "cuộc chiến" giữa cơ quan quản lý với các DN sẽ không dừng lại ở đây, khi mà thị trường đã xuất hiện một số mẫu hàng được giảm trọng lượng nhưng giá bán không đổi. Những chiêu "thay đổi mẫu mã, thay đổi công thức dinh dưỡng" của các DN đã trở nên quá quen thuộc với các bậc phụ huynh được dự báo sẽ lặp lại trong thời gian tới. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý không có những biện pháp ứng phó hiệu quả thì việc áp giá trần đến một thời điểm nào đó sẽ chỉ như "đánh bùn sang ao". Bên cạnh đó, theo các chuyên gia kinh tế, câu chuyện giá sữa luôn "nhảy múa" theo chiều hướng tăng lên có nguyên nhân từ việc Việt Nam không tự chủ được nguồn nguyên liệu sữa, hầu hết sản phẩm đều phải nhập "phôi" (Đó là lý do mà khi giá trần vừa ban hành, DN đồng loạt kêu thấp hơn giá hiện tại của các công ty từ 18% đến 30%). Vì thế, có thể "kịch bản" chuyển giá sẽ được các DN sử dụng triệt để trong thời gian tới…

Đó có thể là những chiêu trò của DN trong những tháng tới, nhưng rõ ràng việc áp trần giá sữa (có hiệu lực đối với thị trường bán lẻ sau ngày 20-6) của Bộ Tài chính đã thể hiện rõ vai trò quản lý, điều tiết thị trường, đồng thời khẳng định việc điều hành giá cả thị trường nằm trong tay cơ quan quản lý, chứ không phải do các DN nắm quyền quyết định. Quyết định này được dư luận đồng tình ủng hộ, bởi trước hết nó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, sau nữa là góp phần bình ổn thị trường. Dư luận còn mong mỏi rằng, việc cơ quan chức năng khẳng định vai trò quản lý, điều hành giá cả thị trường không chỉ dừng ở mặt hàng sữa, mà cần được áp dụng thường xuyên đối với những mặt hàng được cho là nhạy cảm, thường xuyên "nhảy múa" như xăng dầu, vàng, thực phẩm chức năng…, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vai trò quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.