Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định vai trò chủ đạo của nền kinh tế

Thanh Mai| 13/10/2015 07:24

(HNMO) - Là Tập đoàn kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong ngành điện, là lực lượng vật chất để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện năng;

Thủ điện Lai Châu. Ảnh Ngọc Hà TTXVN


Hoàn thành xuất sắc vai trò chủ đạo

Trong những năm qua, trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính, đặc biệt từ năm 2008, trong tình hình suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, việc huy động đủ nhu cầu vốn cho đầu tư, giải phóng mặt bằng cho các dự án điện gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao, Tập đoàn đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thu xếp đủ vốn cho các dự án công trình điện, nhờ vậy, khối lượng đầu tư xây dựng hàng năm đạt giá trị cao, nhiều công trình điện đưa vào vận hành, cung cấp điện cho đất nước. Cụ thể: Trong 10 gần đây, EVN đã đầu tư và đưa vào vận hành 60 tổ máy thuộc 29 dự án nguồn điện mới với tổng công suất 10.416 MW, chiếm 46,6% tổng công suất phát điện được đưa vào khai thác trong giai đoạn 2003-2013 trên toàn quốc, đưa tổng công suất của toàn hệ thống điện tới cuối năm 2013 đạt 31.568 MW, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam sở hữu 18.565 MW công suất phát điện, chiếm gần 61% tổng công suất phát điện của Việt Nam, có năng lực đảm bảo sản xuất tới 65% sản lượng điện toàn hệ thống điện hàng năm.

Như vậy, trong 10 năm (2003 – 2013), Tập đoàn đã tăng nguồn công suất phát điện bằng 110 năm trước 2003 và đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, và đứng thứ 31 trên thế giới về quy mô nguồn điện. Đặc biệt sự kiện nổi bật là ngày 23-12-2012, Thủ tướng Chính phủ đã cắt băng khánh thành Công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La, hoàn thành sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội. Với công suất 2.400 MW, Công trình thủy điện Sơn La trở thành công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, là điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của EVN cũng như các đơn vị thi công trên công trường.

Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng điện năng, EVN còn đi đầu trong việc tham gia chống hạn, chống lũ thông qua các công trình thủy điện đa mục tiêu. Các dự án thủy điện của EVN không những cung cấp điện mà còn có vai trò quan trọng trong việc cấp nước cho nông nghiệp, sinh hoạt, phòng chống lũ và đẩy mặn cho hạ du. Hàng năm vào mùa khô, chỉ tính riêng trên lưu vực sông Đà, sông Lô và sông Gâm, các nhà máy thủy điện đã hy sinh lợi ích của doanh nghiệp chung sức với người nông dân tập trung đổ ải, đảm bảo nguồn nước phục vụ gieo cấy cho hơn 65% diện tích lúa vụ đông xuân của khu vực đồng bằng Bắc bộ, góp phần để vụ đông xuân đạt thắng lợi cao. Đặc biệt, các dự án này đảm bảo cắt lũ an toàn cho đồng bằng sông Hồng, thỏa ước nguyện bao đời nay về trị thủy sông Hồng.

Đồng bộ với các công trình nguồn, EVN đã đóng điện nhiều công trình lưới điện trải dài trên địa bàn cả nước, từ các thành phố đến các xã vùng sâu vùng xa: So với năm 2003, trên lưới điện 110-500 kV, tổng chiều dài đạt 32.655 km, tăng 220%; tổng dung lượng Trạm biến áp 85.254 MVA, tăng 356%. Lưới điện trung, hạ áp: 406.970 km, tăng 220%; tổng dung lượng Trạm biến áp 61.897 MVA, tăng 250%. Theo đó, từ năm 2003-2013, EVN đã đầu tư 505.010 tỷ đồng vào phát triển cơ sở hạ tầng điện lực, bình quân hàng năm bằng khoảng 7,14% tổng đầu tư cả nước.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành kiểm tra tiến độ xây dựng các tuyến đường dây và trạm biến áp 500kV Duyên Hải. Ảnh: Ngọc Hà


 Góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo nông thôn, miền núi, hải đảo

Với hiện trạng khi thành lập mô hình Tổng Công ty (năm 1995), cả nước chỉ có 90,6% số huyện có điện lưới quốc gia, 63,2% xã có điện và 50,76% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia thì tới cuối năm 2010, EVN đã hoàn thành vượt chỉ tiêu về điện nông thôn mà Đại hội X của Đảng đề ra: cả nước có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ; 98,18% số xã được nối lưới quốc gia với 96,05% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, vượt 6,05% so với chỉ tiêu Chiến lược phát triển điện lực quốc gia đề ra. Đến cuối năm 2013, đã đạt được 99,08% số xã có điện lưới quốc gia, 97,85% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện, góp phần thay đổi cơ bản diện mạo nông nghiệp, nông thôn..
. Đóng góp hiệu quả phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Trước tình hình phức tạp tại Tây Nguyên những năm 2001 - 2003, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, EVN đã nhanh chóng thực hiện dự án cấp điện cho các thôn buôn chưa có điện tại 5 tỉnh Tây nguyên, chỉ trong 3 năm đã hoàn thành dự án, cấp điện cho 1.331 thôn buôn và trên 92 nghìn hộ đồng bào dân tộc, đưa tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc được sử dụng điện tại các tỉnh Tây nguyên đạt trên 90%, góp phần ổn định chính trị và đời sống đồng bào; trong các năm 2009 - 2013, EVN tiếp tục đầu tư các dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer ở các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng và Bạc Liêu, Kiên Giang, hơn 70 nghìn hộ gia đình tại hàng trăm Phum, Sóc Khmer đã được cấp điện, tỷ lệ số hộ dân Khmer có điện sử dụng tại các tỉnh này đã đạt trên 90%; từ năm 2010, Tập đoàn bắt đầu thực hiện các dự án cấp điện cho các thôn bản vùng sâu vùng xa khó khăn và chậm phát triển nhất tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nhằm đưa tỷ lệ số hộ đồng bào dân tộc được sử dụng điện lên trên 90% vào năm 2015.

Đến nay hầu hết các xã biên giới tiếp giáp với 3 nước láng giềng đã được cấp điện, cùng với các công trình do các ngành khác đầu tư như trường học, trạm y tế, phát thanh truyền hình, đường giao thông nông thôn đã phát huy được hiệu quả góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới. Bên cạnh đó, từ năm 2004, EVN đã bán điện qua biên giới cho các khu vực dân cư giáp biên giới trên lãnh thổ hai nước Lào và Campuchia, tạo điều kiện để các địa phương trên nước bạn phát triển kinh tế xã hội, từ đó góp phần cùng với chính quyền địa phương hai bên biên giới xây dựng tình hữu nghị và giữ gìn an ninh biên giới.

Hiện nay, EVN đang đảm nhận cung cấp điện trên các huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi; Phú Quốc - Kiên Giang; Phú Quý - Bình Thuận; Vân Đồn - Quảng Ninh; Cát Hải - Hải Phòng. Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 Hội nghị lần thứ 4 ban Chấp hành TW Đảng khoá X), theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2013, EVN đã tiếp nhận quản lý hệ thống điện tại huyện Côn Đảo, hoàn thành các dự án đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo Phú Quốc, Cô Tô, trong năm 2014 sẽ hoàn thành dự án đưa điện ra huyện đảo Lý Sơn; đặc biệt, công trình đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc ở cấp điện áp 110kV là công trình cáp ngầm xuyên biển đầu tiên ở Đông Nam Á. Với việc đảm bảo nguồn điện, các huyện đảo sẽ có điều kiện thuận lợi để đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ phục vụ phát triển các ngành nghề kinh tế biển, phát triển ngư trường bám biển xa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./









(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định vai trò chủ đạo của nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.