(HNM) - Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh gây ra nhưng ngành Nông nghiệp đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Trong khó khăn, ngành Nông nghiệp tiếp tục thể hiện rõ vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế.
Duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao
Giai đoạn 2016-2020, nông nghiệp Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, bảo đảm an ninh lương thực, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của ngành Nông nghiệp trong giai đoạn này đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Điển hình là tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn ngành ước đạt 2,71%/năm, cao hơn so với mức tăng trưởng 2,41% của năm 2015. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 năm qua đạt 190,32 tỷ USD; riêng năm 2020 đạt 41 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 30,45 tỷ USD của năm 2015...
Đánh giá về kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2020, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: "Nông nghiệp chuyển mạnh sang ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân".
Thực tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ đã được chú trọng và đạt nhiều kết quả mang tính chất nền tảng. Khoa học công nghệ trong nông nghiệp đã có bước phát triển mới, đóng góp hơn 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản góp phần tăng hiệu quả kinh tế 10-30%...
Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2020 cả nước có hơn 60% xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 42,5% so với năm 2015; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90,5%, tăng 4,3%. Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp năm 2020 đạt 13.000 doanh nghiệp, tăng hơn 3 lần so với năm 2015... Đáng chú ý, năm 2020, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm, tăng 1,92 lần so với năm 2015; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo năm 2020 đạt 23%, trong khi đó năm 2015 là 14%...
Sự phát triển toàn diện của ngành Nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là năm 2020 - năm cuối của Kế hoạch 5 năm, rất đáng ghi nhận. Tại hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngày 24-12-2020), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Năm 2020, Việt Nam đạt con số xuất siêu kỷ lục hơn 20 tỷ USD. Trong đó, nông nghiệp đóng góp khoảng 10 tỷ USD. Nông nghiệp đã trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế giữ vững tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Quyết liệt triển khai các giải pháp tái cơ cấu
Nhận định về sự phát triển của ngành Nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2020, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra đã nói lên nỗ lực rất lớn của ngành Nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp. Đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của Chính phủ trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc của ngành, kịp thời có những chính sách hỗ trợ để nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận: Mỗi lĩnh vực của ngành Nông nghiệp đã chủ động nâng cao chất lượng, tìm kiếm thị trường; sản xuất đã bước đầu cân đối cung - cầu, chủ động xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi tạo vị thế tại thị trường trong nước và trên thế giới.
Trong giai đoạn 2020-2025, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: "Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; đổi mới tổ chức, phát triển kinh tế hợp tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước... Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị...".
Ủng hộ mục tiêu trên, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, Viện trưởng Viện Hợp tác nghiên cứu khoa học châu Á - Thái Bình Dương Trần Duy Quý cho rằng: Ngành Nông nghiệp cần tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng hữu cơ trên 7 vùng nông nghiệp sinh thái. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có thể xác định sản phẩm chiến lược quốc gia là rau, quả phục vụ trong nước và xuất khẩu, nhất là các nông sản vụ đông. Vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có lợi thế sản xuất các loại thảo dược quý hoàn toàn hữu cơ…
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong 5 năm tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành theo hướng đồng bộ. Trong đó tập trung vào phát triển công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu cũng như các hình thức hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế; ứng dụng mạnh mẽ thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo tăng trưởng đột phá. Đồng thời xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa; nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từng bước tiệm cận điều kiện về hạ tầng và dịch vụ của các đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp, bình an, giàu bản sắc văn hóa truyền thống...
Phát huy những thành quả đạt được trong giai đoạn 2016-2020, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, tin tưởng rằng, nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu lớn hơn nữa trong giai đoạn phát triển mới.
Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP toàn ngành Nông nghiệp khoảng 2,8-3,2%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 75% (trong đó có ít nhất 10% nông thôn mới kiểu mẫu)...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.