(HNM) - Ngày 4-6, tại TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình), Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất lúa gieo thẳng (LGT) các tỉnh phía Bắc vụ xuân 2010. Các chuyên gia, nhà quản lý và bà con nông dân đều nhận định, kỹ thuật gieo thẳng hàng cho năng suất cao hơn so với lúa cấy theo phương pháp truyền thống: cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe và tập trung; giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất và đặc biệt là giải phóng sức lao động cho người nông dân.
Công dân huyện Đan Phượng gieo sạ lúa bằng giàn kéo tay. Ảnh: Quỳnh Dung |
Hà Nội đi tiên phong trong sản xuất LGT
Bộ NN&PTNT cho biết, vụ xuân 2010, diện tích LGT các tỉnh phía Bắc đạt 94.125ha, tăng 29% so với cùng kỳ. Các tỉnh có diện tích LGT lớn là Hải Dương 17.510ha; Thái Bình 11.935ha; Hưng Yên 10.635ha… Đặc biệt, nhiều địa phương mạnh dạn áp dụng kỹ thuật LGT bằng công cụ sạ hàng như Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hà Nam… đã cho hiệu quả và giảm sức lao động rõ rệt. Ông Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư (KNKN) quốc gia cho biết, trong 2 năm, quy trình sản xuất LGT về thời vụ, phương thức gieo, lượng giống, chế độ phân bón, điều tiết nước, sâu bệnh… ngày càng hoàn thiện. Cạnh đó, chính sách hỗ trợ khuyến khích nông dân sản xuất LGT được thực hiện hiệu quả tại Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định; đã hỗ trợ 50-60% giá trị giàn sạ và 20-40% giống, vật tư sản xuất. Một số tỉnh đã có số lượng giàn sạ lớn từ 500 đến 900 chiếc, trong đó Hà Nội hiện có khoảng 2.000 chiếc. Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khẳng định, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng kỹ thuật LGT trên diện tích 5ha ở xã Kim Sơn (TX Sơn Tây) và đến nay, diện tích LGT bằng công cụ sạ hàng đã đạt gần 6.000ha, tăng 62%.
Theo nhận định của Trung tâm KNKN quốc gia, mặc dù thời tiết, dịch bệnh vụ xuân 2010 phức tạp nhưng qua theo dõi, LGT sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh sớm và tập trung, độ đồng đều cao, sạch sâu bệnh; ruộng LGT quần thể phát triển và có ưu thế tốt hơn so với lúa cấy. Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn chín và chuẩn bị thu hoạch, theo dự báo từ các địa phương, năng suất bình quân đạt từ 60 đến 65 tạ/ha, tăng so với lúa cấy từ 10-15%, nhiều nơi đến 20%. Đặc biệt, tại Hà Nội hầu hết diện tích LGT đã thu hoạch và đạt năng suất đạt 73 tạ/ha.
Phát động thành phong trào lớn
Trung tâm KNKN quốc gia cho biết, vụ mùa 2010 sẽ tập trung chỉ đạo các tỉnh
tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn, đẩy mạnh sản xuất LGT, phấn đấu đạt 102.560ha và đến năm 2015 sẽ chiếm khoảng 50% tổng diện tích cấy lúa trong vùng. Tuy nhiên, theo ông Tống Khiêm, cái khó nhất hiện nay là tập quán sản xuất lúa ở các tỉnh phía Bắc theo phương thức gieo mạ, cấy đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Đáng nói, vào đầu vụ xuân nền nhiệt độ thường xuống thấp, ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng, phát triển cây lúa cũng tác động không nhỏ đến tâm lý người trồng lúa. Vì vậy, để đưa kỹ thuật LGT thành phong trào lớn cần tập trung tuyên truyền, có giải pháp thích hợp và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chuyên môn và địa phương. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Chí bổ sung: "Các địa phương cần thực hiện tốt xây dựng các mô hình điểm LGT ở cả 2 vụ xuân và mùa; tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ vào các thời kỳ sinh trưởng của lúa như đẻ nhánh, chín; có chính sách hỗ trợ kinh phí cho nông dân; thành lập các tổ dịch vụ… Nâng cao vai trò Ban quản lý HTX nông nghiệp để đứng ra thành lập các tổ dịch vụ từ khâu ngâm ủ, làm đất, gieo, phun thuốc trừ cỏ… nhằm từng bước chuyên môn hóa, tạo sự liên kết giữa các hộ, nhóm hộ. Tại Hà Nội, hiện có gần 200 HTX nông nghiệp của 16 huyện, thị xã đã tổ chức làm dịch vụ ngâm ủ, gieo tập trung cho xã viên.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, kỹ thuật LGT có ưu thế lớn, tiết kiệm từ 2 đến 4 triệu đồng/ha cho nông dân; có điều kiện thuận lợi nhân ra diện rộng ở các tỉnh phía Bắc. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng yêu cầu trong thời gian tới tiếp tục chương trình tuyên truyền, tập huấn; đúc kết kinh nghiệm để nhân rộng. Các địa phương cần phát động phong trào sâu rộng trong nhân dân và có chế độ khen thưởng kịp thời đối với những huyện, thị xã đạt 50% diện tích LGT sớm nhất. Ông Bổng cũng lưu ý, kỹ thuật LGT có những rủi ro như gieo không đều, ốc bươu vàng, mới gieo có mưa sẽ trôi hạt giống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.