(HNM) - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ ngày 30-10 đến 2-11. Chuyến thăm một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời là cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.
Nhiều năm qua, trên tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” và phương châm 16 chữ vàng "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", các thế hệ lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, để đề ra định hướng chiến lược lâu dài cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung. Sự gắn bó, tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước được đẩy mạnh thông qua nhiều cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao thường xuyên; qua các cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các ban Đảng ở Trung ương, giữa hai Quốc hội, các bộ, ngành, cũng như các địa phương. Đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập được gần 60 cơ chế giao lưu, hợp tác từ trung ương tới địa phương, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực, phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước.
Hợp tác chính trị Việt Nam - Trung Quốc được triển khai hiệu quả nhờ các cơ chế quan trọng, như Kế hoạch hợp tác hai Đảng giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ giữa hai Đảng giai đoạn 2016-2020, hay Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa hai Đảng giai đoạn 2017-2020 và nhiều kế hoạch hợp tác khác đã được ký kết cho giai đoạn 2021-2025.
Ba chuyến thăm cấp cao trong năm 2017 thể hiện sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ của cả hai bên, đồng thời là sự thể hiện ủng hộ cao đối với sự kiện chính trị ngoại giao quan trọng của nhau. Từ năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19, lãnh đạo cấp cao duy trì tiếp xúc và giao lưu dưới nhiều hình thức như điện đàm, hội nghị trực tuyến.
Hiện, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Đến hết quý II-2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 87,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 26,17 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021 và nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 61,12 tỷ USD, tăng 14,63%. Đầu tư từ Trung Quốc có xu hướng gia tăng, đặc biệt là dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần. Lũy kế đến ngày 20-8, Trung Quốc đứng thứ 6 trong tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam với 3.453 dự án còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 22,42 tỷ USD.
Hợp tác quốc phòng được quan tâm, thúc đẩy và là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hai bên đã tổ chức thành công 7 lần giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới. Các nội dung hợp tác ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, có tính lan tỏa, trở thành một trong những hoạt động biểu tượng và rất có ý nghĩa đối với hợp tác quốc phòng song phương. Thông qua chương trình giao lưu, nhiều mô hình hợp tác bảo vệ biên giới đã được triển khai và phát huy hiệu quả.
Nhìn chung, trong thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến đổi phức tạp, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì trạng thái phát triển ổn định và đạt tiến triển, vì lợi ích căn bản, lâu dài của mỗi bên, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục giúp mối quan hệ song phương nâng lên một tầm cao mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.