Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định sức bền của kinh tế Thủ đô

Võ Lâm| 29/12/2020 06:31

(HNM) - Năm 2020, bên cạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, Hà Nội đã chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế và có các kịch bản chi tiết; từ đó đẩy mạnh các giải pháp vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy các mũi nhọn phát triển như thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp... Kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 3,98%, thu ngân sách vượt dự toán đã minh chứng cho sức bền của kinh tế Thủ đô.

Năm 2020, thu ngân sách của Hà Nội là 280.500 tỷ đồng, đạt 100,6% - năm có mức thu cao nhất từ trước đến nay. Trong ảnh: Hướng dẫn khách hàng các thủ tục về thuế tại Chi cục Thuế quận Đống Đa (Cục Thuế Hà Nội). Ảnh: Đỗ Tâm

Giữ đúng cam kết với Trung ương

Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích và 8,5% dân số nhưng Hà Nội đóng góp khoảng 17% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và 20% thu ngân sách của cả nước. Do đó, trong bối cảnh suy giảm kinh tế do dịch Covid-19, việc Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ cam kết, Hà Nội sẽ phấn đấu tăng trưởng gấp 1,3 lần mức tăng của cả nước, hoàn thành dự toán thu ngân sách có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của UBND thành phố, GRDP thành phố năm 2020 tăng 3,98%, cao gấp hơn 1,3 lần GDP cả nước (2,91%). Thu ngân sách là 280.500 tỷ đồng, đạt 100,6% và vượt 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm có mức thu cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, Hà Nội đã giữ đúng cam kết với Trung ương.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, sau khi giảm sâu trong tháng 4, đến tháng 5, kinh tế Thủ đô đã lấy lại đà tăng và hồi phục từ tháng 9-2020. Đặc biệt, GRDP quý IV-2020 đã tăng trưởng bứt phá, đạt 5,77%.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, năm 2020 là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức hai đợt khuyến mại tập trung (tháng 6, 7-2020 và tháng 11-2020). Cùng với đó, hàng loạt hoạt động kích cầu thị trường nội địa như kết nối sản xuất tiêu thụ, tuần hàng Việt Nam, tuần hàng nông sản các địa phương, sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ”... đã giúp tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch  vụ tăng mạnh, ước đạt 3.060,7 nghìn tỷ đồng (tăng 7,9% so với năm 2019).

Đặc biệt, trong năm 2020, nông nghiệp của Hà Nội tăng 4,2%, mức cao nhất trong 9 năm qua. Công nghiệp - xây dựng cũng có sự bứt phá trong quý IV-2020 với mức tăng 7,4%, giúp tăng trưởng cả năm của lĩnh vực này đạt 6,39%. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,58% (chiếm trên 90% ngành công nghiệp)...

Tiền đề quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng 7,5% năm 2021

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cho thấy, Hà Nội là một trong những tấm gương tiêu biểu nhất trong thực hiện tinh thần “khó khăn gấp hai, nỗ lực, cố gắng phải gấp ba”.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội đã đánh giá chính xác và đưa ra các kịch bản, giải pháp phục hồi kinh tế trúng và đúng ngay từ khi bùng phát dịch Covid-19; triển khai thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo. Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã có những ngày họp đến 21-22h; chỉ đạo, lãnh đạo các sở cùng họp và duyệt hồ sơ tại chỗ để rút ngắn thời gian quyết định chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, bằng sự vào cuộc, sự phối hợp tốt của chính quyền địa phương và đặc biệt là sau hội nghị Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III-2020 bàn về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2020, tổ chức ngày 30-9, tình hình thu ngân sách khởi sắc rõ nét. Trong đó, hiệu quả nhất là sự phối hợp của địa phương, đơn vị trong việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp từ những vấn đề nhỏ.

Quận Hoàn Kiếm là một trong những địa phương tiêu biểu về tinh thần vượt khó, đã đạt mức thu ngân sách 10.221 tỷ đồng, bằng 102% dự toán thành phố giao. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ, đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy và UBND thành phố, đặc biệt là quan tâm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho địa phương ở những vấn đề cụ thể, tồn tại nhiều năm. Ngoài ra, một trong những kinh nghiệm của quận là phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, rà soát nguồn thu, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp...

Năm 2021, Hà Nội xác định 23 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu chủ yếu cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phấn đấu tăng GRDP đạt khoảng 7,5%; vốn đầu tư xã hội tăng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; kiểm soát lạm phát, chỉ số giá dưới 4%... Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, phát huy các kết quả năm 2020, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, thành phố sẽ phát triển chiến lược xúc tiến đầu tư qua những việc cụ thể như: Gia nhập thị trường, thành lập doanh nghiệp; tiếp cận các dự án đầu tư... Tất cả nhằm đưa Hà Nội thực sự trở thành điểm đến lâu dài, yêu thích với nhà đầu tư.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, Cục sẽ thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ và thành phố; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, gắn bó sát sao với các địa phương… Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ, năm 2021, quận tiếp tục tập trung cải thiện bộ mặt đô thị nhằm tạo không gian mới phát triển dịch vụ, du lịch.

Kết quả tích cực cùng những kinh nghiệm quý trong thích ứng với bối cảnh khó khăn đặc biệt do dịch Covid-19 gây ra là cơ sở để tin tưởng, Hà Nội sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định sức bền của kinh tế Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.