(HNNN) - Đã 95 năm kể từ ngày 21-6-1925, báo chí cách mạng luôn thể hiện vai trò là tiếng nói của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng nước ta giành những thắng lợi to lớn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra môi trường truyền thông mở, sự xuất hiện của các loại hình truyền thông mới tạo áp lực cạnh tranh ngày càng cao, đòi hỏi báo chí cách mạng phải nỗ lực hơn nữa để vượt qua thách thức, thích ứng với xu thế phát triển, khẳng định rõ vai trò trong thời kỳ mới.
1. Qua chặng đường gần một thế kỷ kể từ ngày ra đời tờ báo cách mạng đầu tiên - báo Thanh Niên, báo chí nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Dù ở giai đoạn nào trong tiến trình lịch sử cách mạng, báo chí Việt Nam cũng góp phần xứng đáng vào mọi thắng lợi trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, tình hình thế giới và khu vực, châu lục xuất hiện những diễn biến khó lường; đi liền với đó là sự chống phá của các thế lực thù địch, là nguy cơ tụt hậu về kinh tế, tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên...
Với báo chí cách mạng, sức tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo cơ hội nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi phải chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, thích ứng với sự phát triển thần tốc của công nghệ thông tin và truyền thông, những xu hướng truyền thông mới, qua đó đồng hành cùng cả nước thực hiện nhất quán đường lối chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với giữ vững độc lập, tự chủ và bản sắc dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ở góc độ báo chí, truyền thông, có thể nhận ra yếu tố thuận lợi, đặc biệt là thách thức trong giai đoạn hiện nay.
Cách mạng công nghiệp 4.0 với các mô hình ứng dụng công nghệ cao làm xuất hiện nhiều dạng thức thông tin mới, tạo điều kiện để mỗi người dân đều có thể đưa tin và lan truyền thông tin - đặc biệt là thông qua các mạng xã hội hàng đầu như Facebook, YouTube, Instagram, Twitter... Thành quả khoa học và công nghệ cho phép các cơ quan báo chí ứng dụng mô hình truyền thông đa phương tiện, tạo ra chương trình, sản phẩm báo chí chất lượng cao, nâng cao khả năng tương tác với độc giả cũng như rút ngắn thời gian và khoảng cách trong sản xuất và lan truyền, quảng bá thông tin.
Những tác phẩm báo chí viết tay được thay bằng sản phẩm được thực hiện trên máy tính rồi nhanh chóng chuyển sang hình thức tác nghiệp trên các thiết bị cầm tay thông minh. Nhà báo cùng lúc có thể làm nhiệm vụ của một phóng viên báo viết, báo hình, báo điện tử chỉ với chiếc điện thoại thông minh. Từ cách sản xuất chương trình, tác phẩm báo chí theo lối truyền thống, giờ đây, trong đời sống báo chí nhanh chóng xuất hiện những khái niệm mới, từ “gói tin tức đa phương tiện”, “truyền thông xã hội”, “báo chí thực tại ảo”, “tòa soạn hội tụ”...
Tuy nhiên, thách thức đối với các cơ quan báo chí truyền thống cũng rất lớn. Đó không chỉ là sự cạnh tranh trong môi trường thông tin, truyền thông ngày càng phong phú, đa dạng, khi các tổ chức, cá nhân liên tục đăng tải, chia sẻ lượng thông tin khổng lồ, cũng không chỉ là sự xuất hiện những hình thức thông tin mới. Thách thức đến từ chính sự chuyển động của các cơ quan báo chí trong nước mà có nơi thể hiện sức ỳ, thiếu khả năng sáng tạo, quyết tâm thay đổi, làm mới mình để thích ứng với xu thế chung trong kỷ nguyên số.
Sự chậm lại, thậm chí tụt hậu cũng có thể thành hiện thực nếu báo chí bị truyền thông xã hội dẫn dắt, chi phối, hoặc quá lạm dụng mạng xã hội để tăng lượng tương tác, tăng nguồn thu. Đó là chưa kể tới hiện tượng thương mại hóa, lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, đi ngược với lợi ích chung, thiếu nhạy cảm chính trị, gây ảnh hưởng không có lợi đến sự hình thành dư luận xã hội... Những hiện tượng đó làm giảm sức mạnh và làm chậm bước tiến của báo chí chính thống nói chung.
2. Phân tích những điều trên để thấy, tác động của yếu tố công nghệ, sự xuất hiện những yếu tố mới trong lĩnh vực báo chí, truyền thông một mặt tạo ra thách thức, sự cạnh tranh đối với báo chí truyền thống, đặc biệt là báo in, nhưng mặt khác đó cũng là tác nhân thúc giục các cơ quan báo chí làm mới mình, thay đổi để thích ứng, vượt lên mà không xa rời định hướng, chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích. Nói cách khác, báo chí tìm thấy trong đó cả thách thức và thời cơ.
Để vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ và tạo ra bước tiến xứng với kỳ vọng, không có gì quan trọng hơn là báo chí cách mạng nói chung, các cơ quan báo chí và từng nhà báo nói riêng phải chuyên cần trau dồi bản lĩnh, nhận thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, kiến thức, kỹ năng, thành quả công nghệ nhằm làm chủ thông tin, tăng tính thuyết phục đối với các đối tượng tiếp nhận thông tin.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư tới các đại biểu tham dự Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nói riêng và người làm báo cả nước nói chung. Trong thư, Thủ tướng lưu ý: “Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, làm báo mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thử thách, gian nan. Hơn lúc nào hết, đội ngũ người làm báo cần trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam”. Sự lưu ý đó nhắc nhở về sứ mệnh, vai trò, vị trí của báo chí cách mạng nói chung trong mối liên hệ với xu hướng lan truyền thông tin “phi tin tức” cũng như sức ảnh hưởng, sự cạnh tranh từ mạng xã hội trong vấn đề thông tin, hình thành và dẫn dắt dư luận xã hội.
“Giữ vững giá trị cốt lõi”, như người đứng đầu Chính phủ lưu ý, là giữ tính cách mạng và tính tiên phong, luôn đồng hành cùng dân tộc “phò chính trừ tà”, khẳng định vai trò là dòng chủ lưu tốt đẹp góp phần xây dựng và bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Với người làm báo, giá trị cốt lõi của hoạt động báo chí là tư tưởng, nhận thức, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp. Có giữ được phẩm chất đạo đức thì mới có thể bảo vệ các giá trị tốt đẹp, trung thực, khách quan khi đưa tin, mới có thể giữ mình trước tiền tài, vật chất từ các nhóm lợi ích đen tối và qua đó, không đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc, nhân dân...
Mạng xã hội và truyền thông xã hội nói chung không phải là yếu tố thách thức duy nhất, nhưng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu và có sức ảnh hưởng tới sự vận động của báo chí cách mạng và sự hình thành dư luận xã hội hiện nay. Bởi vậy, đó là dạng thức truyền thông nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Thực tế gần đây cho thấy, các phương tiện truyền thông truyền thống không xa rời truyền thông xã hội, không tách rời luồng thông tin từ mạng xã hội mà tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò định hướng dư luận qua việc phản biện, đấu tranh với luồng thông tin xấu, độc. Đó là biểu hiện của sự chủ động tiếp nhận và tìm cách vượt qua thách thức, đồng thời tận dụng cơ hội mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại bởi truyền thông xã hội - ở góc độ cụ thể - là đại diện cho xu thế truyền thông mới.
Sự song hành đó, với báo chí cách mạng không bao hàm thái độ phụ thuộc, tiếp nhận nguồn tin một chiều, thụ động mà có sự chọn lọc, thẩm định nguồn tin, từ đó đưa ra chính kiến, góp phần hình thành dư luận đúng đắn, mang tính xây dựng và không xa rời lợi ích quốc gia, dân tộc. Thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua có sự đóng góp tích cực của báo chí cách mạng thông qua việc đưa tin kịp thời, chính xác, định hướng đúng đắn là một minh chứng rõ nét.
Có thể nói, luồng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; sự xuất hiện của truyền thông xã hội cũng như các hình thức truyền thông mới khác không phải là thách thức, sự cạnh tranh không thể vượt qua đối với các cơ quan báo chí truyền thống, bao gồm cả báo in. Vấn đề sẽ được giải quyết nếu từng cơ quan báo, từng nhà báo xác định rõ mục đích thông tin đúng đắn vì lợi ích chung, quyết tâm học hỏi, nâng cao khả năng ứng dụng thành tựu công nghệ nhằm thích ứng với xu hướng truyền thông đa dạng, phong phú, hiện đại, qua đó nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.