Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định mục tiêu chấn hưng nước Nga

Quỳnh Chi| 14/12/2013 05:56

(HNM) - Vào đúng ngày Hiến pháp Nga (12-12), Tổng thống Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang thứ 10 của ông trên cương vị Tổng thống Nga và là thông điệp thứ 20 trong lịch sử nước Nga mới.


Đây là một sự kiện thường niên theo quy định của Hiến pháp nhằm thông báo với xã hội về tất cả những vấn đề cấp thiết của quốc gia trong thời gian qua cũng như mục tiêu và nhiệm vụ cho thời gian tới. Tuy nhiên, việc công bố bản văn kiện này năm nay được dư luận trong và ngoài xứ Bạch dương quan tâm đặc biệt vì nó diễn ra đúng vào thời điểm nước Nga đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Tổng thống V.Putin khẳng định khó khăn kinh tế không làm chệch mục tiêu chấn hưng nước Nga.



Mới đây, Bộ Kinh tế Nga đã bất ngờ hạ mức dự đoán tăng trưởng bình quân của nước này tới năm 2030 xuống con số khiêm tốn 2,5% so với mức 7% trong những năm đầu do Tổng thống V.Putin lãnh đạo. Như vậy, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Nga dự báo tụt xa so với mức bình quân 3,5% trên thế giới trong cùng giai đoạn. Còn mức tăng trưởng năm 2013 cũng chỉ dự kiến vào khoảng 1,8%. Điều khiến Điện Kremlin lo ngại nhất đó là sự giảm sút này không phải từ tính chất chu kỳ mà bắt nguồn từ những sai lầm về mặt cơ cấu. Hiện tại, những vấn đề nước Nga đang đối mặt là dân số giảm và thâm hụt ngân sách. Nga cũng không thành công trong việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, cải cách hệ thống tư pháp, cải thiện năng suất lao động và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Nếu không có những chuyển đổi mạnh mẽ về mặt chính sách, Nga từ chỗ là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, sẽ trở thành một trong những nước hoạt động kém hiệu quả nhất. Điều này sẽ khiến mục tiêu của Tổng thống V.Putin đưa nước Nga thành một trong 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2020 trở nên xa vời hơn. Như thế cũng sẽ ảnh hưởng tới vị thế của Nga với tư cách là thành viên của Nhóm BRICS gồm những thị trường có mức tăng trưởng nhanh. Thực tế này đang đặt ra cho Tổng thống V.Putin những nhiệm vụ nặng nề để bảo đảm tối đa sự ổn định kinh tế và tránh tạo cớ cho các phong trào chống đối đang manh nha trỗi dậy.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cảm thấy được trấn an khi những lo lắng này đã được Tổng thống V.Putin đề cập một cách thẳng thắn trong thông điệp liên bang. Nhà lãnh đạo được hâm mộ nhất nước Nga đã đưa ra một kế hoạch quyết đoán để giải quyết những hạn chế đang cản trở sự tăng trưởng. Trước mắt, đó là một lộ trình cải thiện môi trường kinh doanh trong nước vào năm sau. Theo đó, sẽ có khoảng 100 tỷ rúp (3,3 tỷ USD) từ Quỹ Phúc lợi quốc gia sẽ được đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trong nước. Nga vẫn giữ mức thuế thu nhập là 13% đánh lên những người giàu. Một mục tiêu mà chính quyền Tổng thống V.Putin nhắm tới là bảo đảm an ninh lương thực vào năm 2016-2017 và trở thành một nhà xuất khẩu lương thực lớn trên thị trường toàn cầu.

Bên cạnh kế hoạch cải tổ kinh tế, Tổng thống V.Putin cũng vạch ra những thiếu sót và đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm thay đổi hệ thống giáo dục, giảm tình trạng tham nhũng, ngăn chặn nguy cơ xung đột sắc tộc và những đường hướng đối ngoại giúp tăng cường vị thế của nước Nga trên trường quốc tế. Có thể nói, bức Thông điệp Liên bang của Tổng thống V.Putin năm nay không chỉ chứa đựng nhiều khái niệm cụ thể trong trung hạn và dài hạn mà quan trọng hơn, đây là một thông điệp khẳng định quyết tâm theo đuổi mục tiêu tiếp tục chấn hưng nước Nga được đưa ra từ đầu nhiệm kỳ thứ 3. "Có thể chu kỳ kinh tế đang thay đổi nhưng không có lý do gì để nói đến việc sửa đổi các mục tiêu của chúng ta", tuyên bố của Tổng thống V.Putin là lời khẳng định rõ ràng về lộ trình phát triển của nước Nga. Với những chiến thắng ngoại giao vừa đạt được tại Syria và ảnh hưởng mở rộng tại Trung Đông cũng như những không gian truyền thống khác, có nhiều lý do để đặt niềm tin mạnh mẽ vào sự trở lại ngoạn mục của "Gấu Nga" trong tương lai không xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định mục tiêu chấn hưng nước Nga

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.