(HNMO) - Sau đợt họp trực tuyến, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đã họp toàn thể và hoàn thành một tuần nghị sự. Trong 7 ngày, Quốc hội đã thảo luận, thông qua nhiều vấn đề lớn. Cùng với việc phê chuẩn công tác nhân sự, thảo luận và thông qua các luật, nghị quyết quan trọng, tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, khẳng định mối liên kết bền chặt giữa nghị trường và cuộc sống.
Thảo luận, thông qua nhiều vấn đề quan trọng
Trong tuần đầu của kỳ họp toàn thể, Quốc hội đã thảo luận nhiều vấn đề trọng đại, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước. Những vấn đề quan trọng, có tác động trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp và đời sống của nhân dân đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi. Trong đó có: Dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; Dự án Luật Bảo vệ môi trường; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018…
Bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phân tích: "Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dự kiến cộng đồng doanh nghiệp sẽ chịu tác động mạnh trong quý III-2020. Vì vậy, tôi cho rằng đây là chủ trương hết sức đúng đắn. Bởi những doanh nghiệp nhỏ sẽ có mức độ ảnh hưởng lớn do nguồn lực dự trữ thấp, thậm chí không có".
Đánh giá cao chất lượng ngày đầu tiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) nhận xét, cùng với việc ghi nhận, đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19, khởi động và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch của Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về các vấn đề kinh tế - xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục… Phiên thảo luận đã cho thấy, tại diễn đàn lớn nhất của cả nước, những vấn đề an sinh xã hội đã được đề cập và thảo luận, đáp ứng nguyện vọng của cử tri cả nước.
Kỳ vọng Thủ đô phát triển xứng tầm
Một trong những vấn đề quan trọng được Quốc hội thảo luận trong tuần qua là Chính phủ trình Quốc hội thông qua Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh), với vị thế Thủ đô, Hà Nội không chỉ cần những cơ chế đặc thù mà còn cần được đầu tư thích đáng từ ngân sách trung ương. Là người dân ở địa phương khác nhìn về Thủ đô - trái tim của cả nước, đại biểu mong muốn Hà Nội sẽ phát triển toàn diện, có "bộ mặt" xứng tầm là Thủ đô của cả nước. Không chỉ phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội rất cần được đầu tư tương xứng để nâng tầm và nâng cao đời sống của người dân cả về vật chất và tinh thần.
Cử tri Nguyễn Kim Bảng, phường Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng bày tỏ sự phấn khởi khi Quốc hội dành thời gian nghị sự để xem xét thông qua cơ chế đặc thù cho Thủ đô. “Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Việc thông qua một cơ chế đặc thù sẽ giúp Thủ đô phát huy những thế mạnh vốn có về kinh tế, lịch sử, văn hóa, từ đó tạo sức lan tỏa cho các địa phương khác, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam với bạn bè trên thế giới”, cử tri Nguyễn Kim Bảng nhấn mạnh.
Bám sát thông tin các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, anh Nguyễn Trường Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Tân Trường Sinh (quận Hoàng Mai) cũng kỳ vọng, cùng với những giải pháp hỗ trợ kịp thời của Chính phủ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sau đại dịch Covid-19 và những cơ hội sau khi EVFTA được thông qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội mới nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước.
Đánh giá cao chương trình nghị sự tuần qua đã bám sát những vấn đề thiết thực của đời sống xã hội, cử tri cả nước cũng mong muốn Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các phiên thảo luận. Đồng thời, từ mối quan hệ bền chặt giữa nghị trường và cuộc sống, Quốc hội sẽ đưa ra những quyết sách đúng đắn, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của nhân dân và hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.