(HNM) - Trước nhu cầu về việc xây dựng nghĩa trang mới để thay thế các nghĩa trang cũ đã quá tải, Hà Nội đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghĩa trang với các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn TP mới chỉ có Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng mở rộng nằm trên địa bàn huyện Ba Vì là đi vào hoạt động, còn hầu hết các dự án khác vẫn đang trong quá trình triển khai. Vấn đề bức thiết trong đời sống đô thị đã phần nào được giải quyết khi Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng (CVVH) mở rộng đi vào hoạt động nền nếp, từng bước khẳng định hiệu quả mô hình xã hội hóa của TP Hà Nội.
Đường vào Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng. Ảnh: Trung Kiên
Sáng 23-3, chúng tôi đến CVVH trong vai của người đi khảo sát để "đặt" mộ cho người thân. Trong nhà điều hành, lẫn trong rất nhiều khách đến giải quyết công việc, cụ Nguyễn Xuân Hậu, 80 tuổi, nhà ở Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, gia đình cụ đã đặt một phần mộ tại đây, dù chưa sử dụng đến nhưng năm nào cụ cũng lên thăm vài lần. Khi được hỏi "Trên địa bàn TP có rất nhiều nghĩa trang, vì sao gia đình chị lại đến đây chọn "nhà" cho người thân của mình khi qua đời", chị Nguyễn Thị Thương, con gái cụ Hậu cho biết: Nơi đây an ninh trật tự tốt, môi trường phong quang sạch sẽ, phục vụ tốt, các loại dịch vụ được niêm yết công khai, rõ ràng, giá cả phải chăng và phù hợp với tâm linh người Việt nên chúng tôi thấy rất dễ chịu… Còn anh Trần Tuấn Dũng (Cầu Giấy) thì giải thích: Nơi đây, chủ đầu tư đã cam kết chăm sóc, tu bổ… sau thời gian nghĩa trang lấp đầy nên anh rất yên tâm. Anh Dũng cho biết thêm, ở CVVH, các phần mộ bắt buộc phải xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt (chỉ có phần tường rào, cây xanh là khách hàng có thể đưa ra ý kiến chọn loại cỏ, hoa theo ý mình) nên khuôn viên nghĩa trang rất quy củ và sạch sẽ. Hiện nay, ngoài các phần mộ nhỏ, CVVH còn phục vụ nhu cầu quy hoạch nghĩa trang theo khuôn viên gia đình hoặc dòng tộc từ vài mét vuông đến vài chục mét vuông nhưng tất cả đều phải kê khai chi tiết nhu cầu của gia đình cần đặt bao nhiêu ngôi mộ từng loại theo đúng đối tượng quy định của UBND TP, có xác nhận của chính quyền địa phương mới được làm thủ tục cho thuê.
Đưa chúng tôi đi một vòng quanh CVVH, ông Chu Quang Hợp, Giám đốc Ban Quản trang cho biết: CVVH là dự án nghĩa trang tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư từ năm 2003 và được UBND TP Hà Nội cho phép mở rộng 16,2ha và đầu tư theo hình thức xã hội hóa vào năm 2010. Chủ đầu tư đã tự giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công theo quy hoạch được duyệt, TP hỗ trợ một phần kinh phí. Trong đó, phần diện tích đất sử dụng được chia làm đôi. Một nửa do chủ đầu tư khai thác, quản lý theo các quy định của TP và một nửa do Sở LĐ,TB&XH (trực tiếp là Ban Lễ tang thành phố) quản lý, khai thác. Ở khu vực nghĩa trang của TP được quy hoạch theo 3 khu: khu hung táng, mai táng vĩnh viễn và cát táng. Theo Ban Lễ tang thành phố, các phần đất tại các khu còn khá dồi dào. Sau gần 2 năm mở rộng, mới tiếp nhận 381 mộ, trong khi tổng số mộ ở các khu trong nghĩa trang là 11.590 mộ. Tại khu vực thuộc DN quản lý, sau gần 2 năm mở rộng, DN mới tiếp nhận 519 hợp đồng. Như vậy là với "tốc độ" nhập mộ như hiện tại thì khoảng 5-7 năm nữa CVVH mới lấp đầy.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng ban Phục vụ tang lễ Hà Nội nhận định: CVVH mở rộng năm 2010 đã đáp ứng kịp thời những khó khăn của TP trong việc ngừng hung táng tại Nghĩa trang Văn Điển - vấn đề bức xúc mà các cử tri huyện Thanh Trì kiến nghị trong nhiều năm trước. Gần 2 năm đi vào hoạt động, mô hình xã hội hóa nghĩa trang này đã phát huy tác dụng khá tốt, từng bước giải quyết bức xúc về nhu cầu nghĩa trang cho Thủ đô. Đặc biệt, chủ đầu tư là Công ty CP Ao Vua và Ban Phục vụ tang lễ Hà Nội đã xây dựng quy chế phối hợp khá chặt chẽ. Ban Quản trang của công ty đã thực hiện nghiêm túc các quy định về quy hoạch và niêm yết giá thuê đất vĩnh viễn công khai tại CVVH (5,5 triệu đồng/m2) như phương án kinh doanh đã được phê duyệt nên số người tìm về đặt mộ ở đây khá đông. Theo ông Sáng, hiện các nghĩa trang trên địa bàn TP đã cơ bản lấp đầy, chỉ còn khoảng 3.000 mộ ở Nghĩa trang Yên Kỳ để cải táng các phần mộ từ Nghĩa trang Văn Điển chuyển lên, vì vậy CVVH càng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu bức xúc của nhân dân, đặc biệt là di dời mộ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng các dự án (trung bình mỗi năm, Ban Phục vụ tang lễ Hà Nội di dời khoảng 1.200 mộ phục vụ GPMB). Hiện nay, theo ông Sáng, CVVH đang hoạt động khá thuận lợi, chỉ có quy định về giá tiếp nhận và xây dựng mộ còn thấp so với giá thị trường trong thời điểm hiện tại nên thực hiện khó khăn. Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội đang xây dựng giá mới để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ông Sáng nhận định, trong thời gian tới nếu mô hình xã hội hóa nghĩa trang như CVVH nhân ra sẽ góp phần giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn TP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.