Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định địa vị pháp lý của viên chức

Phong Thu| 30/03/2010 06:57

(HNM) - Gần đây, Bộ Nội vụ đã tiến hành nhiều cuộc hội thảo tại các tỉnh, TP, lấy ý kiến cho Dự án Luật Viên chức. Nhiều người đang trông đợi, khi luật này được thông qua sẽ góp phần cải cách có hiệu quả hoạt động khu vực dịch vụ công theo hướng hiện đại, năng động và nâng cao chất lượng phục vụ.

Dự thảo Luật Viên chức gồm 10 chương, 92 điều, quy định quyền và nghĩa vụ; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, khen thưởng, đãi ngộ, xử lý vi phạm đối với người đang làm việc và hưởng lương từ các đơn vị sự nghiệp công lập.

Qua các buổi hội thảo có nhiều quan điểm đồng tình với một số điều được quy định trong Dự thảo Luật. Chẳng hạn như quy định công chức thì bắt buộc phải thi tuyển còn viên chức thì thay vì thi tuyển, có thể chỉ xét tuyển được cho là hợp lý. Hay quy định: Sau khi trúng tuyển, viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập ký hợp đồng làm việc theo chế độ dài hạn (từ 3 năm trở lên), ngắn hạn (từ đủ 1 năm đến dưới 3 năm) cũng được nhất trí; hơn nữa, điểm này cũng giống trong Bộ luật Lao động: viên chức và đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

Đặc biệt, quy định viên chức giữ chức vụ quản lý được bổ nhiệm có thời hạn từ 3 đến 5 năm; khi hết thời hạn giữ chức vụ quản lý, phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại; hay viên chức không đảm đương được nhiệm vụ quản lý, hoặc do vi phạm kỷ luật nhưng chưa đến mức bị thi hành kỷ luật cách chức sẽ bị miễn nhiệm... tránh được tình trạng "ngồi lâu" mà làm việc không hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn nữa phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cho phù hợp với tên gọi của Luật Viên chức, bởi viên chức ở cả khu vực công, bán công và tư nhân; công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức khi họ được tuyển dụng theo vị trí việc làm; cân nhắc phân loại viên chức thành các "hạng", vì định nghĩa theo "hạng" không phù hợp với tâm lý người Việt Nam, nên dùng định nghĩa "ngạch" như Luật Cán bộ, công chức; chính sách động viên đối với viên chức làm việc tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Trước khi tiến hành hội thảo tại các tỉnh, thành phố, Bộ Nội vụ đã đăng tải Dự thảo Luật Viên chức trên website của Bộ để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Hy vọng rằng, với cách triển khai thận trọng, lắng nghe nhiều phía, Ban soạn thảo Dự án Luật Viên chức sẽ chắt lọc được những quy định tối ưu cho Luật Viên chức để hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ viên chức được khẳng định hơn trong xã hội; góp phần hạn chế tình trạng sách nhiễu, thiếu tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc. Điều này càng trở nên cần thiết và cấp bách khi số lượng thuộc diện này khá cao (khoảng 1,65 triệu người) và theo dự đoán, sẽ còn tăng khi Luật Viên chức được thông qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định địa vị pháp lý của viên chức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.