Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẳng định dấu ấn ngàn năm

Hiền Chi| 04/07/2010 05:51

(HNM) - Sáng 3-7, Cổng thông tin điện tử (TTĐT) Chính phủ đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến "Dấu ấn ngàn năm Thăng Long - Hà Nội" với sự tham gia của lãnh đạo Ban Tuyên giáo TƯ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Hội Di sản văn hóa Việt Nam.

Các vấn đề thiết thực cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội như: công tác chuẩn bị; tuyên truyền nâng cao nhận thức; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa… đã được trao đổi thẳng thắn, thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân.

Triển khai sớm, nội dung thiết thực

Theo đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền - Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, công tác tuyên truyền cho Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội được chuẩn bị từ rất sớm và được triển khai thiết thực. Ngày 4-5-1998, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 32-CT/TƯ về việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong đó, định hướng nhiều công việc cần thiết. Từ đó đến nay, công tác tuyên truyền đã lan tỏa sâu rộng trong cả nước. Nội dung kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã được lồng ghép vào hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các ngày hội quan trọng của địa phương từ Bắc tới Nam nên Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội đã đi vào nhận thức, vào tình cảm của người dân, với niềm tự hào, sự trông đợi…

Nhiều năm qua, TP Hà Nội đã xây dựng nhiều chương trình hướng tới ngày Đại lễ với nội dung phong phú, thiết thực. PGS-TS Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, 34/34 công trình của Hà Nội chuẩn bị cho Đại lễ sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Trong đó, có nhiều công trình lớn như Bảo tàng Hà Nội, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, chương trình nghiên cứu cấp quốc gia, và một loạt các công trình khác như Nhà hát Đại Nam, Nhà hát Công nhân, Nhà hát Kim Đồng, Thư viện Hà Nội… Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, chuẩn bị tích cực đã thu hút cả sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Hiện đã có trên 40 đoàn quốc tế đăng ký tham gia (bao gồm cả đoàn quốc gia, đoàn anh em kết nghĩa, đoàn nghệ thuật, các đoàn thể quần chúng… ).

Cần huy động sức mạnh tổng hợp

Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa cũng là một vấn đề được thảo luận sôi nổi tại buổi tọa đàm. Theo GS-TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, di sản của Hà Nội vô cùng phong phú, đa dạng. Chính vì vậy, công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa kể cả di sản vật thể và phi vật thể gặp không ít khó khăn. Nó đang đặt ra hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết. Hà Nội sau hợp nhất có hơn 5.170 di tích, trong đó có tới 2.100 di tích được xếp hạng quốc gia, còn lại hơn 1.000 di tích xếp hạng cấp TP, trong số đó có rất nhiều di tích cần thường xuyên tu bổ, trùng tu. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Quang Long cho biết, ngân sách nhà nước đầu tư cho bảo tồn di tích trong 5 năm qua mà Sở quản lý là trên 30 tỷ đồng, nhưng số tiền nhân dân đóng góp lớn hơn 5 lần con số đó. Điều này cho thấy, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích nếu không huy động nguồn nhân lực, kinh phí từ xã hội mà chỉ có Nhà nước thì không làm xuể. Chia sẻ vấn đề này, ông Lưu Trần Tiêu khẳng định, điều then chốt vẫn là ở người dân nên rất cần người dân tham gia bảo tồn phát huy di sản văn hóa, kể cả tính cách, bản lĩnh, năng lực sáng tạo và những hoạt động liên quan đến bảo tồn, giữ gìn di tích.

Về vấn đề này, đồng chí Phùng Hữu Phú cũng rất đồng tình và khẳng định: Những gì người dân Hà Nội đóng góp cho Đại lễ ngàn năm rất đáng trân trọng, dù rằng còn nhiều việc phải cố gắng hơn nữa. Mỗi người Hà Nội, mỗi người Việt Nam cần có trách nhiệm ủng hộ, tham gia, cổ vũ để sự kiện trọng đại này được tổ chức tốt nhất.

Con người là tiềm năng hàng đầu

Về tiềm năng của Thủ đô, đồng chí Phùng Hữu Phú cho rằng, hàng đầu phải nói đến tiềm năng văn hóa và nhấn mạnh: Tôi dùng khái niệm "tài nguyên văn hóa" rồi đến tiềm năng con người. Người Hà Nội là kết tinh tinh hoa của người Việt Nam. Đây là nơi đất lành chim đậu nên anh hùng hào kiệt, các tài năng của địa phương trong cả nước đều tụ hội về đây. Do vậy chất lượng con người Hà Nội rất cao. Trong đó Hà Nội là nơi tập trung lực lượng trí thức có trình độ cao, tâm huyết nên toàn bộ quá trình xây dựng phát triển Hà Nội nếu chúng ta phát huy tốt hơn nữa nguồn lực này thì Hà Nội còn có thể phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.

Các vị khách mời cũng đã trả lời thẳng thắn và đồng trách nhiệm những câu hỏi trực tuyến của người dân liên quan đến việc đầu tư và chất lượng các công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẳng định dấu ấn ngàn năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.