(HNMO) - Sáng 24-7, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã họp khẩn để ứng phó bão số 4. Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường cho biết, 4h sáng nay, bão số 4 cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 150km về phía Đông Nam.
Quang cảnh cuộc họp. |
Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương Hoàng Đức Cường cho biết, 4h sáng nay, bão số 4 cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 150km về phía Đông Nam. Dự báo, 4h ngày 25-7, tâm bão số 4 sẽ nằm trên vùng biển phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), sau đó đi vào đất liền nước ta, từ các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới; sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Do ảnh hưởng của bão nên ngày 25-7, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to; Đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to.
Chủ động ứng phó bão số 4, Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết đã phối hợp với các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa bắn pháo hiệu tại 37 điểm, thông báo, hướng dẫn cho 61.774 phương tiện, với 249.329 người hoạt động trên biển biết diễn biến của bão số 4 để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm, vào nơi trú tránh an toàn… Đề nghị các bộ, ngành liên quan đưa các tàu vận tải hàng hóa vào phương án ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời, chú ý việc sắp xếp tàu, thuyền bảo đảm an toàn tại khu vực trú tránh…
Đại diện Tổng cục Thủy lợi cho biết, đã có văn bản đôn đốc các đơn vị thi công triển khai phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ đập… Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu các địa phương kéo tàu, thuyền nhỏ lên bờ; kiên quyết không để ngư dân, người sản xuất ở trên tàu thuyền, chòi canh gác trong thời gian bão đổ bộ. Bộ Ngoại giao đã gửi công hàm cho các quốc gia liên quan để hỗ trợ công dân Việt Nam được vào trú tránh. Bộ Công thương đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại địa bàn trọng điểm bão, áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ. Bộ Giao thông - Vận tải đã có công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan sẵn sàng phương án khôi phục hệ thống giao thông sau khi xảy ra sự cố sạt lở…
Tại Hà Nội, 22h ngày 23-7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố có Công điện số 07/CĐ-BCH yêu cầu các địa phương, sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan kiểm tra các trọng điểm xung yếu đê điều, thủy lợi, nhà ở; chuẩn bị đủ lực lượng vật tư, trang thiết bị, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó các sự cố công trình…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Hoàng Văn Thắng ghi nhận sự chủ động tích cực của các bộ, ngành địa phương trong ứng phó bão số 4. Tuy nhiên, theo nhận định của Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, đây là cơn bão di chuyển chậm nên rất dễ nảy sinh tư tưởng chủ quan trong ứng phó. Vì vậy, đề nghị các tỉnh, thành phố liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để các cấp chính quyền, người dân chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, phòng tránh; đặc biệt lưu ý công tác phòng tránh thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, va đập tàu, thuyền khu neo đậu trú tránh. Các tỉnh Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ chủ động tiêu thoát nước đệm để bảo đảm an toàn chống úng cho diện tích lúa, hoa màu; kiểm tra phương án sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất bờ sông, suối…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.