(HNM) - Đợt mưa lũ đầu tháng 10 vừa qua ở miền Bắc đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành Nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Việc khôi phục sản xuất đang được các địa phương và nông dân triển khai tích cực.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), mưa lũ đã làm 11 nghìn con gia súc, hơn 300 nghìn con gia cầm tại các tỉnh phía Bắc bị chết, cuốn trôi. Mưa lũ cũng làm hệ thống chuồng trại chăn nuôi hư hỏng nhiều khiến hàng nghìn nông dân rơi vào tình cảnh kiệt quệ. Để tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất, người chăn nuôi phải bỏ ra chi phí khá lớn mua con giống và xây dựng lại chuồng trại chăn nuôi.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, mưa lũ vào thời kỳ nông dân tập trung thu hoạch lúa mùa, bước vào sản xuất vụ đông nên đã gây ngập úng nghiêm trọng, xóa sổ hàng nghìn héc ta cây trồng. Tại tỉnh Nam Định, gần 15 nghìn héc ta lúa mùa bị ngập trắng, thành thử công sức, tiền của, thậm chí cả tài sản của hàng nghìn hộ nông dân bị thiệt hại. Tương tự, tại tỉnh Hà Nam có khoảng 10 nghìn héc ta, trong đó 7 nghìn héc ta lúa, còn lại là rau màu bị nước lũ nhấn chìm…
Đợt mưa lũ lịch sử cũng tàn phá công trình thủy lợi, với hơn 60 sự cố đê điều và hàng nghìn sự cố, hư hỏng công trình thủy lợi. Nếu các công trình thủy lợi chậm được khắc phục sửa chữa, vấn đề nước tưới trong vụ đông xuân 2017-2018 sẽ bị ảnh hưởng.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, các địa phương đã triển khai nhiều phương án tiêu thoát nước, khoanh vùng cây trồng có khả năng ứng cứu; huy động mọi khả năng bơm tát rút nước nhanh để cứu những diện tích lúa và cây trồng vụ đông chưa bị ngập hẳn, còn khả năng hồi phục. Việc khôi phục sản xuất sau mưa lũ đang được các địa phương triển khai một cách tích cực. Tại tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh đã thống nhất phương án hỗ trợ kinh phí khoảng 59,5 tỷ đồng; giao ngành Nông nghiệp Thái Bình xây dựng cơ chế, phương án hỗ trợ giống để trồng gần 1.240ha khoai tây vụ đông 2017 và hỗ trợ giống các cây màu khác.
Tại Hà Nội, cùng với tiêu thoát nước trong nội đồng, các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đã tập trung chăm sóc số diện tích cây trồng vụ đông còn sót lại; đẩy mạnh việc trồng các loại rau màu hàng hóa. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, đối với cây rau màu, khoai tây, nước lũ rút đến đâu, nông dân vệ sinh đồng ruộng, té nước rửa lá cây bị bùn đất bám vào. Những diện tích có thể khôi phục được, thì chăm sóc tích cực bằng cách dùng phân bón lá, bón gốc như phân lân, NPK bón hỗ trợ cho đất. Trước đó, trong thời gian chờ nước rút, thành phố đã chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị đủ hạt giống rau ăn lá, rau ngắn ngày để trồng tiếp vụ đông muộn trên diện tích cây màu bị chết.
Ngoài đôn đốc thống kê, xác định thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai để hỗ trợ nông dân, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các địa phương nhanh chóng xử lý môi trường chăn nuôi, xây dựng lại chuồng trại, chủ động con giống để tái đàn. Bên cạnh đó là lưu ý các địa phương phải tính toán theo nhu cầu thị trường, nhất là nguồn rau xanh phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Nông dân nên chọn các loại giống rau, củ như: Su hào, cải bắp..., do thời gian sinh trưởng ngắn. Đối với cây vụ đông ưa ấm như: Bí, khoai lang, ngô đã kết thúc khung thời vụ gieo trồng...
Hiện nay, các vùng bị ngập lụt, nước đã rút. Tuy nhiên, đây cũng là lúc có nguy cơ cao bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vì vậy, các địa phương cần chú trọng tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại, ao nuôi cá, kết hợp với tiêm phòng, tránh để gia súc, gia cầm mắc bệnh sau mưa lũ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.