Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương gỡ những “nút thắt” cuối cùng

Tuấn Lương| 22/05/2014 06:11

(HNM) - Hầu hết các dự án trọng điểm của Bộ GTVT trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành phần lớn công tác GPMB và sắp về đích theo đúng kế hoạch.



Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng tại cuộc họp với Bộ GTVT nhằm kiểm điểm tiến độ GPMB các dự án chiều 22-5.

Việc triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hiện gặp khó khăn trong khâu GPMB. Ảnh: Anh Tuấn


Không còn nhiều vướng mắc

Hầu hết các dự án trọng điểm của Bộ GTVT trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành phần lớn công tác GPMB và sắp về đích theo đúng kế hoạch. Phần tồn tại còn lại của các dự án không lớn về diện tích nhưng nếu không kịp thời tháo gỡ thì cũng có nguy cơ khiến cho dự án bị chậm tiến độ. Cụ thể, Dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu phải thu hồi 116,15ha đất thuộc quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, liên quan đến 2.889 hộ dân, di chuyển 865 ngôi mộ và một số công trình hạ tầng kỹ thuật. Đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành GPMB, bảo đảm phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên, cơ quan chức năng còn phải thu hồi 216m2 của 2 hộ dân lấn chiếm đất chân đê và một số công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm… trong khi đó, Dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB. Tuy nhiên trên địa bàn Sóc Sơn vẫn còn vướng 6 hộ dân nên chưa có mặt bằng để thi công. Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên còn phải thu hồi 1,2ha đất trên địa bàn huyện Đông Anh. Trong đó, khu vực tuyến qua 10 hộ thổ cư xã Dục Tú (diện tích khoảng 0,3ha). Cùng với đó, khu tái định cư Dục Tú phục vụ GPMB quốc lộ 3 chưa xong nên chưa đủ điều kiện để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…

Vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2). Trừ quận Thanh Xuân đã bàn giao toàn bộ mặt bằng, còn lại các quận khác đều vướng. Cụ thể tại địa bàn quận Đống Đa đã bàn giao 2,43/2,87ha cho chủ đầu tư để thi công, hiện còn phải GPMB 0,44ha, tổng kinh phí còn thiếu để chi trả cho các hộ dân là 216 tỷ đồng. Quận Hà Đông đã GPMB xong khu trung tâm depot 23,29ha, di chuyển đường điện, nghĩa trang Trinh Lương, bến xe Hà Đông cũ… Hạng mục đang thực hiện còn lại 0,28ha đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhưng chưa có kinh phí để chi trả… Về di chuyển công trình ngầm, đại diện Sở Xây dựng cho biết, đã bàn giao 10,8/13km cho chủ đầu tư để thi công dự án. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí để chi trả khoảng 120 tỷ đồng nên kết quả vẫn chưa như mong muốn…

Phối hợp cùng tháo gỡ

Liên quan đến việc thiếu kinh phí để chi trả tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung cho dự án 400 tỷ đồng và đã được chấp thuận. Dự kiến ngay trong tuần tới, khi được bổ sung khoản tiền này sẽ chuyển toàn bộ cho thành phố Hà Nội để chi trả cho dân. Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban QLDA đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam) tổ chức thi công ngay đối với các phần diện tích đã bàn giao và phối hợp tốt hơn nữa với các quận liên quan trong công tác GPMB.

Với Dự án quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, để bảo đảm tiến độ GPMB và thi công, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Chỉ đạo GPMB thành phố đề nghị UBND huyện Đông Anh kiểm tra, rà soát quỹ đất tái định cư còn lại của địa phương để thực hiện tái định cư phân tán hoặc đề nghị UBND thành phố cho phép UBND huyện Đông Anh được phép phê duyệt các chính sách hỗ trợ tạm cư đặc thù, nâng mức hỗ trợ tạm cư cho một nhân khẩu từ 1 triệu đồng/tháng lên 2 triệu đồng/tháng (như Dự án đường nối Nhật Tân - Nội Bài trên địa bàn huyện Sóc Sơn); đồng thời cho phép huyện Đông Anh tiến hành san lấp sơ bộ và tiến hành phân lô, sớm giao đất cho các hộ phải tái định cư và phê duyệt hỗ trợ bổ sung tiền xây dựng hạ tầng…

Tại Dự án cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu quận Tây Hồ trong tháng 5-2014 phải bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Về di dời đường điện 220KV, yêu cầu chủ đầu tư lập phương án phát sinh để lấy tiền làm hệ thống tuy nen ngang đường để hạ ngầm dây. Đối với 6 hộ dân trong diện cắt xén tại Dự án đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, huyện Sóc Sơn chủ trì cùng chủ đầu tư thống nhất phương án tháo dỡ và lên phương án đền bù thỏa đáng cho phần diện tích bị ảnh hưởng.

Thời gian từ nay đến khi các dự án nói trên phải hoàn thành (lần lượt vào cuối năm 2014 và 2015) không còn nhiều. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã đi đến thống nhất, các chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo GPMB thành phố làm tốt công tác GPMB các dự án. Nếu có khó khăn vướng mắc phát sinh phải báo cáo UBND thành phố và Bộ GTVT để cùng tháo gỡ với mục tiêu là đưa các dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Khi đã có mặt bằng, đề nghị chủ đầu tư các dự án yêu cầu đơn vị thi công đưa máy móc vào làm ngay không thể chờ có mặt bằng sạch mới triển khai thi công. Hằng tháng UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT sẽ họp giao ban kiểm điểm tiến độ đối với từng dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương gỡ những “nút thắt” cuối cùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.