(HNM) - Ngày 28-7, tại TP Hồ Chí Minh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã chủ trì hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Bên nói dễ, bên nói khó!
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, sau hai tuần thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống 15%/năm (từ ngày 15 đến 27-7) thì chỉ còn khoảng 35% khoản vay chưa được điều chỉnh. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP, Tô Duy Lâm cho biết, đến nay dư nợ tín dụng có lãi suất từ 15% trở xuống đã chiếm gần 70% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Tổng dư nợ cho vay 4 nhóm đối tượng ưu tiên theo Thông tư 14 của NHNN quy định lãi suất vay ngắn hạn đến nay cũng đã đạt gần 27.000 tỷ đồng.
Giải quyết hàng tồn kho là việc làm hết sức cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Ảnh: Trọng Hải |
Về phía các NH, ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết đã điều chỉnh lãi suất hơn 8.000 tỷ đồng nợ cũ xuống dưới 15%. Hiện Sacombank đang thực hiện gói hỗ trợ doanh nghiệp (DN) 2.000 tỷ đồng với lãi suất 13% và 50 triệu USD lãi suất 4,5%. Đến ngày 27-7 đã giải ngân được 1.700 tỷ đồng và 45 triệu USD. Đơn vị này cũng vừa tiếp tục triển khai gói 1.000 tỷ đồng với lãi suất 13-14%. Ở Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Tổng Giám đốc Trương Văn Phước cũng cho biết có 45% số nợ cũ đã được điều chỉnh về 15%. Eximbank đã khoanh nợ, giãn nợ cho 630 DN với số tiền 3.862 tỷ đồng. Đơn vị này cũng vừa trích ra 120 tỷ đồng để miễn lãi cho gần 150 DN. Và mới nhất, chiều 27-7, Eximbank đã đưa ra gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ 10%…
Ngược lại, nhiều DN vẫn cho rằng khó tiếp cận vốn vay và lãi suất vẫn ở mức cao. Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty CP May túi xách Minh Tiến (Miti) cho hay, mỗi năm Miti cần khoảng 40 tỷ đồng vốn lưu động ngắn hạn cho mùa học sinh tựu trường là (tương đương 400.000 sản phẩm), nhưng tài sản thế chấp của công ty chỉ được 6,5 tỷ đồng. Khi đề xuất thế chấp bằng hàng tồn kho thì các ngân hàng đều lắc đầu nên đành "bó tay". Đại diện Tổng Công ty Bến Thành cho biết, hiện có nhiều khoản vay của DN của tổng công ty này vẫn lớn hơn 15%. Đây cũng là ý kiến của bà Lã Thị Lan (Chủ tịch Hội DN cơ khí điện TP), ông Văn Đức Mười (Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP) cùng nhiều DN khác.
Lãi suất có thể giảm về 10%...
Theo ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), hiện các ngân hàng phải chấp nhận giảm lãi suất để tìm kiếm thanh khoản tốt. Bản thân là Chủ tịch Hội DN trẻ TP nên ông đã mời các DN đến để khởi động chương trình cho DN trẻ vay 1.000 tỷ đồng, trong đó tín chấp 100 tỷ đồng, nhưng đến giờ mới giải ngân được hơn 50 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đang phối hợp tìm giải pháp đầu ra nhưng không phải lúc nào DN cũng hưởng ứng. Ví dụ, với các DN bất động sản, ngân hàng chấp nhận cho người mua nhà vay lãi suất thấp, tuy nhiên nếu DN không giảm giá nhà thì người mua sẽ không muốn vay tiền để mua.
Ông Trương Văn Phước cho hay, số liệu thống kê thể hiện, 42% DN của TP có vay vốn của Eximbank có giá trị hàng tồn kho đang gấp đôi dư nợ. Chưa hết, trong 100 đồng tồn kho thì chỉ có 27 đồng có khả năng luân chuyển, còn 73 đồng "bất động". Cũng từ khảo sát này, trong tổng chi phí của DN thì lãi vay của ngân hàng chiếm 24%, 76% còn lại đến từ hàng tồn kho và tất cả các chi phí khác. Thế nên, khó khăn của DN không chỉ từ vốn, lãi suất mà từ sức cầu giảm sút nghiêm trọng. Nếu không xóa được tình trạng hàng tồn kho "đắp chiếu", dẫn đến nợ xấu trong nền kinh tế thì cả DN và ngân hàng đều hết sức khó khăn.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tháo gỡ khó khăn cho DN không chỉ có NH mà cần phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó giải quyết hàng tồn kho cũng là vấn đề cấp bách. Hiện NHNN đang đề nghị đẩy nhanh tốc độ các dự án đầu tư công để giải quyết lượng tồn về xi măng, sắt thép… Về phần mình, các DN cũng phải nỗ lực trong việc tiêu thụ hàng hóa của mình. Có thể phải giảm giá xuống để bán được, vì thà chấp nhận lỗ để cơ cấu lại sản xuất còn hơn để hàng tồn kho mãi không bán được, có khi thành mất hết. Về yêu cầu NHNN có văn bản chính thức chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi vay cũ xuống 15% để việc thực hiện nhanh hơn, Thống đốc cho rằng hiện lãi suất cho vay mới đã dưới 15%, nên nếu NHNN ra một văn bản quy định trần cho vay là 15% thì không có ý nghĩa. Văn bản cũng sẽ không có hiệu lực và không có tính pháp lý với các khoản vay đã ký trước đây, vì các khoản vay đó là hợp đồng kinh tế nên không có hồi tố. Vì vậy, NHNN yêu cầu các TCTD tích cực cùng tháo gỡ khó khăn cho DN cũng như chính mình. Theo Thống đốc, những TCTD thực hiện tốt sẽ được những "điểm cộng" với những ưu đãi, còn ngược lại, sẽ bị những "điểm trừ" của NHNN.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng phân tích, nếu lãi suất giảm về 15% "là giấc mơ trước đây" thì hiện DN muốn giảm xuống 10%, NHNN cũng mong như thế. Khả năng đưa lãi suất về 10% là có thể nếu ổn định được kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở mức 4-6%. Khi đó, lãi suất huy động ở mức 7% thì lãi suất cho vay ra hoàn toàn có thể là 10%. Với những điều chỉnh kinh tế vĩ mô đúng hướng hiện nay, nhanh thì giữa năm sau, chậm thì tối đa 2 năm, lãi suất có thể giảm xuống 10%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.