Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương, dứt điểm

Đỗ Hà| 28/07/2010 06:50

(HNM) - Huyện Từ Liêm có số vụ vi phạm hành lang sông Nhuệ nhiều nhất và mức độ vi phạm nghiêm trọng nhất với 1.978/4.600 vụ.


Khi người dân chấp nhận phạt để tồn tại


Hành lang sông Nhuệ đang bị xâm hại nghiêm trọng. Ảnh: Thái Hiền

Trên địa bàn thị trấn Cầu Diễn hiện có khoảng 1.200 hộ sống trong hành lang sông Nhuệ. Theo báo cáo của Công ty Thủy lợi sông Nhuệ, từ năm 2000 đến tháng 6-2010, tại thị trấn Cầu Diễn có hơn 620 hộ vi phạm hành lang sông Nhuệ với tổng diện tích đất lấn chiếm 16.000m2 (gồm nhà cấp 4, nhà cấp 3 trở lên).

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn, sở dĩ có nhiều vụ vi phạm là do nhà ở của các hộ dân được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân muốn cải tạo, xây mới nhưng không được cấp phép nên các hộ đã chấp nhận "sống chung với phạt" để tồn tại. Chính điều này đã khiến cho việc xử lý vi phạm ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lê Xuân Quyền (88 tuổi) ở tổ 7, thị trấn Cầu Diễn cho biết, gia đình ông đã sinh sống ở đây khoảng 20 năm. Hiện tại, căn nhà cấp 4 rộng gần 100m2 là nơi cư trú của 4 thế hệ với hơn 10 người. Nhà cửa ngày càng xuống cấp nhưng do không được xây mới nên mỗi khi sửa chữa, nâng cấp đều bị thanh tra xây dựng thị trấn và các cơ quan chức năng đến lập biên bản và xử phạt hành chính.

Tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang sông Nhuệ tại xã Mễ Trì cũng đang diễn ra và ngày càng phức tạp. Phó Chủ tịch UBND xã Mễ Trì Nguyễn Hữu Quyết cho biết, có nhiều trường hợp tái phạm đến 3-4 lần nhưng không thể giải quyết dứt điểm được. Một số vụ vi phạm bị xử lý, cưỡng chế buổi sáng, thì ngay buổi chiều người dân lại đổ đất lấn chiếm, dựng nhà; hoặc có vụ phát hiện tại hiện trường lều lán đang dựng dở dang nhưng khi lực lượng chức năng đến kiểm tra các "chủ" ở đây bỏ vườn không, nhà trống gây khó khăn cho việc xử lý. Ông Nguyễn Hữu Quyết cho biết thêm, từ đầu năm đến nay xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát bắt quả tang và thu giữ 8 ô tô tải chở đất đổ vào hành lang sông; xử lý giải tỏa 14 vụ vi phạm, lấn chiếm hành lang sông Nhuệ và bắt quả tang xử lý tại chỗ 15 vụ... Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm vẫn chỉ như muối bỏ bể. Hiện nay, dọc hành lang 2 bờ sông Nhuệ qua địa bàn thôn Phú Đô (khoảng 1km) vẫn tồn tại một dãy nhà tạm, lều lán ngay sát bờ sông. Nhiều hộ che mắt chính quyền bằng cách dựng lều lán bên ngoài, sau đó làm nhà cấp 4 bên trong. Và việc đổ đất lấn chiếm hành lang sông Nhuệ tại thôn Phú Đô, xã Mễ Trì vẫn tiếp tục diễn ra.

Chính quyền xử lý chưa nghiêm


Dãy nhà tạm xây dựng trong hành lang sông Nhuệ tại xã Mễ Trì (Từ Liêm).
Ảnh: Thu Hằng

Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư cho biết: Tình trạng vi phạm hành lang sông Nhuệ trên địa bàn huyện tồn tại ở nhiều dạng và mỗi nơi có một kiểu vi phạm khác nhau: Do lịch sử để lại (các cơ quan, đơn vị cấp đất cho cán bộ, công nhân viên); do các hộ dân đổ đất lấn chiếm, xây dựng nhà ở, lều lán… cho nên việc xử lý các trường hợp vi phạm gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, hầu hết hộ dân nằm trong hành lang sông Nhuệ đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cũng theo ông Lê Văn Thư, khó khăn nhất trong việc giải quyết vi phạm hành lang sông Nhuệ hiện nay là do sự phối hợp giữa Công ty Thủy lợi sông Nhuệ với chính quyền sở tại chưa chặt chẽ; chính quyền một số xã, thị trấn còn nể nang, ngại va chạm nên chưa xử lý nghiêm các trường hợp khi mới phát hiện. Ngoài ra, giá đất ở các xã, thị trấn của Từ Liêm quá cao nên bất chấp vi phạm, người dân vẫn ồ ạt đổ đất vào hành lang sông, xây dựng nhà ở, lều lán cản trở dòng chảy gây khó khăn trong công tác xử lý.

Cùng với sự kiên quyết của chính quyền địa phương, ông Lê Văn Thư kiến nghị, để giải quyết tình trạng vi phạm hành lang sông Nhuệ, TP Hà Nội cần đẩy nhanh việc thực hiện Đề án "Quản lý bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất đai lưu vực sông Nhuệ"; ngoài ra cần tăng cường phối hợp giữa Công ty Thủy lợi sông Nhuệ và chính quyền sở tại thường xuyên kiểm tra, xử lý ngay các vi phạm mới phát sinh.

Thực hiện Đề án "Quản lý bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất đai lưu vực sông Nhuệ" đến nay, một số hạng mục đang được triển khai như: lập dự án đầu tư cải tạo, nạo vét khơi thông dòng chảy đoạn sông từ Liên Mạc - huyện Từ Liêm đến cầu Chiếc - Thường Tín (từ Km 0 đến Km 33); cơ bản hoàn thành việc tu bổ hệ thống đê phục vụ phòng, chống lụt, bão.
Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm soát ô nhiễm; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, làng nghề có phát sinh nước thải trực tiếp ra sông Nhuệ và các hành vi đổ phế thải, rác thải lấn chiếm dòng chảy.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, đề án hoàn thành sẽ giải quyết được cơ bản tình trạng vi phạm hành lang sông Nhuệ như hiện nay.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương, dứt điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.