Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn cấp ứng phó với bão số 5

Đào Huyền - Tuấn Lương| 18/08/2012 06:13

(HNM) - Chiều tối và đêm 17-8, bão số 5 đã đổ bộ vào đất liền khu vực tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng với sức gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; các nơi khác ở phía đông Bắc bộ có gió mạnh cấp 5, giật cấp 6. Ở các tỉnh Bắc bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to.


Là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 5, chiều tối và đêm 17-8, tại Hải Phòng có mưa to đến rất to, gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Các sở, ngành, địa phương, các lực lượng liên quan đã thông báo tình hình, kêu gọi, kiểm đếm các phương tiện khai thác thủy sản, chủ lồng bè di chuyển phương tiện về bến neo đậu tránh bão. Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Dương Anh Điền cho biết, tính đến sáng 17-8, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng phối hợp với các địa phương hướng dẫn cho 4.225 phương tiện, lồng bè với gần 13.650 lao động đang hoạt động trên khu vực biển Hải Phòng biết hướng di chuyển của bão để về nơi neo đậu, tránh trú. Tại các địa phương ven biển, mỗi cửa cống dưới đê đã được tập kết 20m3 đất, hàng nghìn bao tải và cánh phai gỗ, sẵn sàng ứng phó.

Ngày 17-8, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công điện khẩn số 15/CĐ-UBND tới Chủ tịch UBND các địa phương, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các ngành và đơn vị trên địa bàn tỉnh chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống và đối phó với bão số 5. Đối với các tuyến đảo Cô Tô, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực của TP Móng Cái và Cái Chiên của huyện Hải Hà, có trên 11 nghìn tàu đánh cá di dời đến nơi neo trú cố định an toàn trước 12h trưa 17-8. Đến 16h chiều 17-8, toàn bộ dân trên biển và 50 người dân xã Đông Tiến (TP Móng Cái) nơi có nguy cơ ngập cao đã di dời đến nơi an toàn. Đối với 100m chân đê có nguy cơ sạt lở tại đoạn đê Hải Xuân (TP Móng Cái) đã được kè, dùng bao chặn an toàn.

Cây bật gốc đè lên một xe ô tô và một xe máy tại ngã tư Lý Thường Kiệt - Bà Triệu.
 Ảnh: Viết Thành

Tại Hà Nội, khoảng 16h, mưa nhanh kèm theo dông lốc đã khiến cho hàng loạt cây lớn bị bật gốc, gãy đổ ra đường đè lên cả ô tô, xe máy… Mưa bão xảy ra đúng giờ tan tầm khiến giao thông trở nên hỗn loạn. Ngay góc ngã tư Lý Thường Kiệt - Bà Triệu, một xe máy đỗ trên hè đã bị cây to đè bẹp dúm. Xe ô tô Mazda đỗ cạnh đó cũng bị tán cây đập vào gây hư hại. Cách đó không xa, cây phượng trước cửa số nhà 24 phố Bà Triệu bị bật gốc đổ xuống chắn ngang đường, gây ách tắc giao thông. Gần ngã ba Lò Đúc - Trần Khát Chân, một cây xà cừ nhiều năm tuổi cũng đã bị dông gió hạ gục. Trên phố Tây Sơn có một cây đổ trước cổng Trường Đại học Thủy lợi. Trên phố Đào Duy Anh, trước cổng khách sạn Kim Liên có 2 cây lớn đổ chắn ngang đường khiến người tham gia giao thông phải đi đường vòng. Tại phố Khương Trung cây đổ chắn ngang đường, người tham gia giao thông đoạn từ Ngã Tư Sở hướng cầu Khương Đình phải chịu cảnh ùn tắc kéo dài. Trên nhiều tuyến phố, xe máy, xe đạp bị gió quật ngã nằm giữa đường, người dân phải bỏ cả xe chạy lên hè để tránh… Nghiêm trọng nhất là một chiếc taxi của Hãng Mai Linh khi di chuyển qua số nhà 97 phố Lò Đúc bị cây đổ đè ngang xe, tài xế tử vong tại chỗ. Công an phải phong tỏa hai đầu phố để các lực lượng chức năng cưa cây đưa nạn nhân ra. Trên phố Nguyễn Khuyến, một taxi của Hãng ABC cũng bị cây và cột điện đổ làm gãy cả cánh cửa…

Một số người dân tại Khu đô thị mới Định Công cho biết: Trong Khu đô thị Định Công có nhiều cây bị bật gốc, gãy đổ gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Nhiều phụ huynh quyết tâm đón con về sớm để tránh bão nhưng bị tắc đường đành bỏ xe vào trú nhờ các nhà bên đường. Điều đáng nói là trước mỗi mùa mưa bão, trong khi cây xanh tại nhiều tuyến phố, khu vực khác trên địa bàn TP được đội ngũ công nhân chuyên ngành cắt tỉa nhằm hạn chế nguy hiểm thì tại khu đô thị này cũng như một số khu chung cư lân cận, công tác này không hề được quan tâm trong nhiều năm qua.

Ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Cơn mưa dông quá mạnh đã khiến cho khoảng 70 cây xanh thuộc địa bàn công ty quản lý bị bật gốc, gẫy cành. Ngay sau khi xảy ra sự cố, các lực lượng chuyên trách và máy móc, phương tiện của công ty đã có mặt tại từng địa bàn kịp thời xử lý. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mảng cây xanh tại các khu đô thị Định Công, Linh Đàm và một số khu đô thị khác được Sở Xây dựng Hà Nội giao cho một số đơn vị tư nhân quản lý. Tắc trách và thiếu sự quan tâm nên khi xảy ra mưa bão, cây đổ là chuyện đương nhiên.

Theo báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, tổng lượng mưa tại các điểm đo của công ty là Vân Hồ 48mm; Xuân Đỉnh: 42mm; Trúc Bạch 48mm; Yên Sở: 29mm; hầm chui Trung tâm Hội nghị quốc gia 30mm; Đông Anh 30mm; Thanh Liệt: 27mm; Hồ Tây A: 25mm; Long Biên 13mm… Cơn mưa đến quá nhanh và tập trung vào một thời điểm đã khiến cho nhiều tuyến phố bị úng ngập cục bộ, nước chưa thoát kịp như Nguyễn Đức Cảnh (khu vực đang triển khai thi công xây dựng cống thoát nước), Lê Trọng Tấn, Trường Chinh, Thái Thịnh, Nguyễn Khuyến, ngã ba Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương… với mức độ sâu từ 0,15m đến 0,2m.

Theo ông Lê Vũ Quảng Xương, Trưởng phòng Kế hoạch (Công ty Thoát nước Hà Nội), các điểm úng ngập nói trên đều đã được dự báo từ trước nên công ty đã có phương án xử lý. Tuy nhiên, với các điểm mới phát sinh như khu vực đường Vành đai 3 (đoạn qua đường Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm), khu vực chân cầu Vĩnh Tuy trên đường Minh Khai, đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn vào Khu đô thị Linh Đàm... hoàn toàn không thể can thiệp. Không những bị úng ngập khi mưa lớn, nhiều nắp ga trên các tuyến phố này bị mất cắp hoặc hư hỏng không được sửa chữa, thay thế kịp thời rất nguy hiểm cho người đi đường. Ngay từ đầu mùa mưa năm nay, công ty đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư 22 công trình, dự án sớm bàn giao hệ thống thoát nước tại các tuyến đường để đưa vào quản lý, duy trì phục vụ thoát nước của TP. Thậm chí, UBND TP Hà Nội cũng có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư, Ban QLDA nhưng đến nay, hầu hết các chủ đầu tư không thực hiện khiến tình trạng úng ngập xảy ra trên nhiều tuyến đường, gây bức xúc cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn cấp ứng phó với bão số 5

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.