Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn cấp ứng phó bão số 4

Kim Nhuệ - Tuấn Lương -Thanh Hải| 26/09/2022 12:54

(HNMO) - Bão số 4 có cường độ rất mạnh sẽ đi vào vùng biển, đất liền các tỉnh miền Trung trong ngày mai (27-9). Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, các bộ, ngành, địa phương đang "chạy đua" thời gian với bão, khẩn cấp triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó.

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm thông tin về diễn biến bão số 4. 

Bão mạnh cấp 11-12 hướng vào Trung Trung Bộ

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, sớm nay (26-9), bão Noru đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022. 10h hôm nay, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14.

Hiện bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h và có xu hướng mạnh thêm. Đến 10h ngày 27-9, tâm bão nằm trên khu vực phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 16. Sau thời gian trên, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10h ngày 28-9, tâm bão nằm trên khu vực đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14. Thời gian tiếp theo, bão đi sâu vào đất liền các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới...

Do ảnh hưởng của bão nên từ trưa 27-9, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 16, sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội. Từ tối và đêm 27-9, vùng biển ven bờ các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m...

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai giao ban công tác ứng phó bão số 4. 

Trên đất liền từ gần sáng 28-9, khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10; ven biển các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15; các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12-13...

"Từ chiều 27 đến ngày 28-9, các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt, có nơi cao hơn 400mm/đợt. Các tỉnh: Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi cao hơn 300mm/đợt. Từ ngày 28-9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và phía Nam khu vực Đồng bằng Bắc Bộ", ông Mai Văn Khiêm thông tin thêm.

"Chạy đua" thời gian với bão

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã "chạy đua" thời gian với bão, khẩn cấp triển khai các phương án bảo đảm an toàn trên biển, đất liền. Cụ thể hơn, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận bắn pháo hiệu tại 33 điểm ven biển để thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 57.840 tàu thuyền với 299.678 người hoạt động trên biển thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão, neo đậu an toàn tại các bến. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã lệnh cấm biển.

Các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã rà soát, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng triển khai phương án sơ tán 213.914 hộ dân, tương ứng 868.230 người đến nơi an toàn; trong đó, các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi sẵn sàng sơ tán 93.312 hộ dân với 368.878 người...

Ngày 26-9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam...

Ngày 26-9, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4 tại khu neo đậu tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi. 

Các bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Công Thương đã chỉ đạo đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó với bão. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã gửi 10,2 triệu tin nhắn tới người dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum về cảnh báo bão, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão...

Phát biểu tại cuộc họp ứng phó bão số 4 vào sáng 26-9 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận tiếp tục rà soát và khẩn trương kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển thoát khỏi vùng nguy hiểm; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi; sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản...

Cùng với nhiệm vụ trên, các địa phương chỉ đạo đơn vị liên quan khẩn trương cắt tỉa cành cây; huy động lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, gia cố biển hiệu, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao.

Bên cạnh đó, các địa phương kiểm tra, chỉ đạo sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn đê biển, đê sông, tiêu úng bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và công nghiệp có nguy cơ ngập lụt; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra...

*Ngày 26-9, tại Hà Nội, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chủ trì cuộc họp với các đơn vị thành viên về ứng phó bão Noru (bão số 4). Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến.

Cơn bão này được nhận định là mạnh nhất trong vòng 20 năm qua với phạm vi ảnh hưởng rộng.

Tại cuộc họp, cùng với việc yêu cầu các đơn vị chuẩn bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, ông Ngô Sơn Hải đã chỉ đạo các công ty thủy điện tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn, chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh để tuyên truyền và vận hành hồ, đập bảo đảm an toàn, hiệu quả. Triển khai thực hiện các phương án bảo đảm an toàn công trình hồ, đập, vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt là các điểm xung yếu.

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cần tăng cường kiểm tra, để phát hiện sớm khu vực có khả năng sạt lở đất gây ảnh hưởng đến cột, đường dây, trạm điện. Đối với các trạm điện có nguy cơ bị ngập úng cần có phương án trực vận hành và phòng, chống phù hợp. Các đơn vị trong vùng bị ảnh hưởng tổ chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp không người trực; khẩn trương gia cố các điểm sạt lở, nguy cơ sạt lở của các đợt mưa bão trước.

Công nhân Truyền tải điện Quảng Nam vận chuyển vật tư phòng, chống bão vào các vị trí xung yếu

Các tổng công ty điện lực, đặc biệt là Tổng công ty Điện lực miền Trung, cần tiếp tục chỉ đạo củng cố lưới điện trung hạ áp, gia cố các điểm xung yếu có nguy cơ bị sự cố. Khi có ảnh hưởng của thiên tai gây sự cố mất điện, cần nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục, sớm khôi phục điện, bảo đảm an toàn cho các khách hàng, đặc biệt là các phụ tải quan trọng, các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Tại cuộc họp, ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT cho biết, tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoãn các cuộc họp không cấp bách để tập trung chống bão. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành rà soát các trạm biến áp 220-500kV trong vùng bị ảnh hưởng của bão; gia cố mái nhà, cửa sổ, che chắn các tủ bảng ngoài trời, khơi thông rãnh thoát nước, vận hành thử bơm tiêu nước, chặt tỉa cây trong và gần hành lang đường dây cao áp. Những trạm không người trực đã tái lập ca trực vận hành tại chỗ từ ngày 26-9…

Về phía Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), ông Lê Hoàng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc EVNCPC cho hay, các đơn vị thuộc EVNCPC đã thành lập 28 đội xung kích, sẵn sàng huy động. Tổng nhân lực đội xung kích lên tới 809 người, 101 phương tiện, 668 trang thiết bị an toàn/dụng cụ thi công, 187 cột sắt lắp ghép.

Các đơn vị đã bố trí lịch trực 24/24h từ ngày 26-9 để theo dõi sát diễn biến cơn bão. EVNCPC và các công ty điện lực đã tổ chức các đoàn công tác kiểm tra chuẩn bị ứng phó bão số 4; thực hiện chèn chống, gia cố công trình, trụ sở.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có công điện về việc ứng phó với cơn bão gần Noru trên Biển Đông.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam chỉ đạo hệ thống Đài thông tin Duyên hải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão cho tàu thuyền biết để ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các cảng vụ hàng hải nắm chắc số lượng tàu thuyền đang neo đậu tại cảng, vùng nước và hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn. Đặc biệt, các cảng vụ không cấp phép cho tàu rời cảng có hướng hành trình đi vào vùng ảnh hưởng nguy hiểm của bão, đặc biệt đối với các tàu vận tải, du lịch. Đồng thời, triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống cảng, bến, con người hoạt động trong phạm vi quản lý.

Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ đường thủy nắm chắc số lượng tàu thuyền đang neo đậu tại cảng, vùng nước và hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn, không cấp phép cho tàu rời cảng có hướng hành trình đi vào vùng ảnh hưởng nguy hiểm của bão. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tiết hướng dẫn bảo đảm giao thông ở những vị trí trọng yếu, bảo đảm giao thông đường thủy an toàn.

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện để kịp thời khắc phục các sự cố công trình; phối hợp bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đang thi công và xây dựng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các Cục quản lý đường bộ khu vực chịu ảnh hưởng của bão, rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt; tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ; kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu... để kịp thời sửa chữa, khắc phục bảo đảm giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.

Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị chủ động tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực ứng trực sẵn sàng khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra và bảo đảm giao thông thông suốt, phải bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; trong đó, cần đặc biệt chú ý các công trình ở khu vực hay có lũ đột xuất.

Đối với lĩnh vực hàng không, Bộ yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác an toàn bay, không cho phép máy bay cất hạ cánh khi có tình huống xấu của thời tiết trong khu vực bị ảnh hưởng của bão.

Các sở giao thông vận tải có nhiệm vụ rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị quản lý và sửa chữa đường bộ, đường sắt tiến hành khắc phục sự cố do mưa, bão, lũ gây ra, tiến hành phân luồng, bảo đảm giao thông trên các tuyến quốc lộ ủy thác và đường địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn cấp ứng phó bão số 4

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.