Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn cấp ngăn chặn dịch bệnh sởi bùng phát

Thu Trang| 22/02/2019 06:51

(HNM) - Cả nước hiện đã ghi nhận 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi. Tại Hà Nội, chỉ trong vòng một tuần, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi, tăng 72 trường hợp so với tuần trước đó.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tại Hà Nội hiện tiếp nhận 3-5 trường hợp mắc sởi mỗi ngày. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Khoảng trống miễn dịch…

Đánh giá về tình hình dịch bệnh sởi thời điểm hiện tại, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính từ đầu năm 2019 đến nay, toàn quốc ghi nhận 429 trường hợp dương tính với sởi, trong tổng số 5.246 trường hợp sốt phát ban nghi sởi và chưa có trường hợp tử vong. Hiện dịch bệnh sởi đã xuất hiện tại 43 tỉnh, thành phố, trong đó một số địa phương có số mắc cao như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên, Yên Bái.

Không chỉ ở nước ta, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi hiện đang gia tăng trên toàn cầu. Từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, trên thế giới có hơn 180 quốc gia lưu hành bệnh sởi, trong đó có 11 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Thậm chí, dịch sởi đã quay trở lại ở một số nước đã từng khống chế thành công hoặc loại trừ căn bệnh này như: Italia, Ukraine… Tại Hoa Kỳ, sau gần 20 năm công bố loại trừ bệnh sởi, ngay đầu năm 2019 đã ghi nhận các ổ dịch sởi ở một số thành phố. Nguyên nhân dịch sởi lan rộng là tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi không đạt đã tạo khoảng trống miễn dịch tại nhiều nước và gia tăng sự di chuyển, giao lưu toàn cầu.

Không nằm ngoài diễn biến chung, số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng tăng nhanh. Theo Sở Y tế Hà Nội, nếu như trong tháng 1-2019, thành phố chỉ ghi nhận từ 10 đến 30 ca mắc sởi/tuần, thì đến cuối tháng 2-2019 đã tăng lên 78 ca mắc sởi/tuần. Như vậy, trong 1,5 tháng đầu năm 2019, thành phố đã ghi nhận 192 trường hợp mắc sởi (tăng gấp gần 9 lần so với 2 tháng đầu năm 2018). Lý do được PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đưa ra, thời tiết đông - xuân, nồm ẩm sau Tết đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút sởi phát triển và lây lan nhanh. Thêm vào đó, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn thành phố đã đạt 96,13%, song vẫn còn một số đơn vị có tỷ lệ tiêm thấp như: Phường Đội Cấn (quận Ba Đình) tỷ lệ tiêm chỉ đạt 64,1%; phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đạt 82,6% và 17/21 phường của quận Đống Đa có tỷ lệ tiêm dưới 95%.

Ông Đặng Quang Tấn cho rằng, hầu hết trẻ mắc bệnh sởi đều không được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm hơn 95%). Chỉ có 1,3% trẻ đã được tiêm chủng đầy đủ, nhưng vẫn mắc sởi. Đặc biệt, lứa tuổi mắc sởi dần dịch chuyển sang người trưởng thành và ghi nhận số mắc cao ở trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng tuổi). Một trong những nguyên nhân được xác định là do miễn dịch cộng đồng thấp. Đối với trẻ dưới 9 tháng tuổi mà bị mắc bệnh là do không có miễn dịch từ mẹ sang con. “Những người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi hoặc người đã mắc bệnh sẽ có miễn dịch lâu dài, khả năng mắc và lây bệnh rất khó. Tuy nhiên, nếu không tiêm chủng thì khi tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh, chắc chắn sẽ bị lây nhiễm”, ông Đặng Quang Tấn cho biết.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội), tình trạng kháng thể kháng vi rút sởi có xu hướng giảm ở người trẻ tuổi cho thấy khoảng trống miễn dịch đang ngày càng gia tăng trong cộng đồng. Một kết quả đánh giá tại huyện Đông Anh cho thấy, chỉ có 50% phụ nữ nhóm tuổi từ 18 đến 19 có kháng thể kháng vi rút sởi. Chính sự thiếu hụt kháng thể ở phụ nữ và đến khi họ mang thai sẽ dẫn tới thiếu hụt kháng thể ở trẻ ngay sau sinh và tăng nguy cơ mắc sởi sớm ở trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng. Bởi lẽ, trẻ nhỏ được bảo vệ trong những tháng đầu đời không mắc sởi chủ yếu là nhờ kháng thể IgG do mẹ truyền qua nhau thai. Mẹ có nồng độ kháng thể cao thì con sinh ra sẽ có nồng độ kháng thể cao và kéo dài.

Đề phòng lây nhiễm chéo

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sởi, Bộ Y tế lo ngại về tình trạng lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế. Bài học từ dịch sởi năm 2014, làm hơn 100 trẻ tử vong được xác định nguyên nhân là do lây nhiễm chéo từ bệnh viện.

Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) điều trị bệnh nhi mắc sởi.


Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt việc tổ chức phân tuyến điều trị, thiết lập khu vực riêng để khám, điều trị bệnh nhân mắc sởi. Hiện tại, các bệnh viện đã tổ chức khám phân loại bệnh nhân ngay từ phòng khám. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị, phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Nếu bệnh nhẹ mà đổ dồn lên tuyến trên thì sẽ gây quá tải bệnh viện, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) khuyến cáo, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Đối với trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1, thì hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên thành 95%. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng, chưa bị mắc sởi, nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Còn khi trẻ đã mắc sởi, cách chữa chủ yếu là cải thiện triệu chứng, vệ sinh cá nhân và chế độ ăn.

Đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị trẻ tại nhà, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Người chăm sóc trẻ nên lưu ý, không kiêng khem trong chế độ ăn. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống và cần bảo đảm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều vitamin A.

Từ cuối năm 2018 đến tháng 2-2019, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nhiều ca sởi người lớn (lứa tuổi từ 25 đến 35 tuổi, do không được tiêm nhắc lại vắc xin sởi), trong đó có một thanh niên 28 tuổi ở Hà Nội bị biến chứng viêm não do sởi. Ngoài biến chứng viêm não, bệnh nhân mắc sởi còn có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng khác: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy... Người lớn chưa mắc sởi và chưa được tiêm vắc xin sởi, cần phải đi tiêm tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn cấp ngăn chặn dịch bệnh sởi bùng phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.