Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khám phá tâm hồn đằng sau “Những gương mặt được trang điểm”

T.Minh| 22/10/2012 17:52

(HNMO)- Chiều 22/10/2012, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 - phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) sẽ khai mạc triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Văn Cường, giảng viên trường Đại học Sư phạm nghệ thuật TW. Triển lãm được mang tên khá lạ “Những gương mặt được trang điểm”.



(HNMO)- Chiều 22/10/2012, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 - phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) sẽ khai mạc triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Văn Cường, giảng viên trường Đại học Sư phạm nghệ thuật TW. Triển lãm được mang tên khá lạ “Những gương mặt được trang điểm”.

Triển lãm tiêu đề Những gương mặt được trang điểm, giới thiệu một series 22 bức tranh sơn dầu "được gợi ý từ một khía cạnh xã hội hiện đại: sự trang điểm của con người trước khi bước ra khỏi cánh cửa phòng riêng hay nhà riêng. Sự trang điểm không đơn thuần chỉ là son phấn, áo quần, mà còn là rất nhiều phụ kiện vật chất, kể cả sự yểu điệu, đỏm dáng bên ngoài nữa. Anh đã "ngắm nhìn" rất nhiều gương mặt các cô gái đẹp trên những tạp chí thời trang, thời thượng hiện nay của Việt Nam để thấm thía thêm cái gọi là "vẻ đẹp bề ngoài" ấy. Và qua các bức tranh, có vẻ như anh muốn đặt ra những câu hỏi được gợi ý từ vẻ đẹp bề ngoài ấy, kể cả những tò mò về sự tiềm ẩn của nhiều vẻ đẹp khác ở phía sau gương mặt duyên dáng và đôi môi son hấp dẫn kia...".

Đôi khi, chúng ta chẳng thể thấy được gương mặt thực sự của người đàn bà! Gương mặt ấy đã là nơi để thoa lên phấn son, ngoắc lên kính mũ… Họ chăm chút bản thân, tô điểm làm đẹp mình hay để trốn chạy chính mình?



Thỏa mãn ước mong về một hình thức đẹp hoàn hảo là một khát vọng không thể thay đổi của nhiều người đàn bà. Thời đại luôn tạo ra và định hướng về vẻ đẹp cho những kẻ nhìn, vì vậy những ''cô gái'' của tôi phải ''trang điểm'' để tin rằng mọi người thấy họ đẹp hơn.

Thay đổi mình để đẹp hơn, nhưng khi bạn chiếm lấy vẻ đẹp này cũng là lúc làm mất đi vẻ đẹp khác. Đẹp làm quá trình tồn tại của ai đó được dễ dàng hơn, ý nghĩ giản đơn ấy đôi khi lại đẩy việc “làm đẹp” đi quá xa: Khi vô học thì ''trang điểm'' để có vẻ tri thức, đã có tri thức rồi thì ''trang điểm'' cho càng tri thức hơn, càng không phải nghệ sỹ thì càng'' trang điểm'' cho giống vẻ nghệ sỹ, gian manh ''trang điểm'' thành kẻ ngây thơ, thật thà...

Chia sẻ về ý tưởng sáng tác này của mình, họa sỹ Nguyễn Văn Cường cho biết, các tác phẩm đều có bố cục đơn giản tự nhiên, ánh sáng mềm mại, sắc màu nhẹ nhàng, thoải mái trên bề mặt tranh trong suốt, mơ màng, tôi thể hiện những khuôn mặt các cô gái được tô vẽ cầu kỳ khi suy nghĩ nhiều hơn về những sự trái ngược, đối lập như vẻ nữ tính hay phù phiếm, chân thật hay giả dối, thuần khiết hay dung tục, mỹ miều hay là vỏ bọc của sự lừa mị.



“Thiết nghĩ, tranh không thể áp đặt một ý nghĩa chủ quan nào đó. Tôi chỉ muốn tác phẩm của mình gợi mở một ẩn ý mơ hồ, để cho người xem tự cảm, tự thấy điều gì chợt nảy ra trong suy nghĩ của riêng họ, gắn liền với quan niệm của họ về ''trang điểm'' mà thôi”.

Hy vọng ''Những khuôn mặt được trang điểm'' ít nhất cũng đem lại cho người xem một cảm nhận nhẹ nhàng, thú vị bởi mỹ cảm hội họa chứa đựng trong đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khám phá tâm hồn đằng sau “Những gương mặt được trang điểm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.