(HNM) - Nhiều người cho rằng, nhờ “vàng xanh” từ Vườn quốc gia Ba Vì mà một huyện khó khăn như Ba Vì đã bứt phá, phát triển du lịch - dịch vụ.
“Lá phổi xanh” của Thủ đô
Tham gia buổi tham quan Vườn quốc gia Ba Vì trong một ngày đầu tháng 6, bé Trần Lê Sơn Tùng (lớp 5A6 - Trường Tiểu học Ban Mai - quận Hà Đông) sẽ nhớ mãi những điều thú vị lần đầu được khám phá. Bé Sơn Tùng háo hức chia sẻ: “Trước đây, con chỉ biết mỗi chú công an; giờ con biết thêm có cả chú kiểm lâm mặc áo xanh chuyên bảo vệ rừng!” - Điều tưởng chừng đơn giản nhưng đó là sự khám phá đầy thú vị của một bạn nhỏ sống ở thành phố...
Cán bộ Trạm kiểm lâm Ba Trại (huyện Ba Vì) cùng bà con người Dao kiểm tra, chăm sóc cây rừng. |
Được đích thân cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, giới thiệu về Vườn quốc gia, Tùng và các bạn nhỏ được hòa mình vào cuộc sống xanh để thêm yêu và tự hào về “lá phổi” tự nhiên của Thủ đô. Hơn thế, rừng còn mở ra một thế giới rộng lớn, xanh biếc, trong lành, bình yên với đủ các loài động, thực vật quý hiếm, lạ lẫm, tưởng chỉ có trong sách vở hay ở nơi nào đó rất xa...
Tiến sĩ Nguyễn Phi Truyền, Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì cho hay: “Quan điểm quản lý, bảo vệ rừng của chúng tôi là “phải giữ cây khi đang còn đứng, giữ động vật khi đang còn sống”, không phải chờ đến khi cây rừng bị khai thác, thú rừng bị săn, bẫy bắt rồi mới vào cuộc".
Vườn quốc gia Ba Vì tiền thân là “Rừng cấm quốc gia Ba Vì”, được Chính phủ quyết định thành lập và đổi tên từ năm 1991. Tổng diện tích rừng và đất rừng giao khoán quản lý lên tới 7.377ha. Năm 2014, Vườn quốc gia Ba Vì được mở rộng về phía tỉnh Hòa Bình, nâng diện tích quản lý là 9.704,35ha. Vùng đệm của Vườn lên tới hơn 40.697ha, với tổng dân số là 114.987 người.
Sinh sống dưới tán rừng và vùng đệm là đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Dao, Thái... đã tạo cho nơi đây bản sắc văn hóa đa dạng. Với đặc thù là rừng bảo tồn, một phần kết hợp với phát triển du lịch, trong khu vực lõi của Vườn quốc gia còn có nhiều di tích lịch sử, cách mạng, danh thắng nổi tiếng như đền Thượng, đền Trung, nên công tác phòng cháy được đặt lên hàng đầu.
"Vượt qua những khó khăn đó, nơi đây vẫn luôn giữ được màu xanh vốn có tự bao đời, vừa có giá trị về kinh tế - quốc phòng, vừa góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu", ông Truyền bày tỏ.
“Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý” - lời Bác Hồ dạy luôn là “kim chỉ nam” cho lực lượng kiểm lâm. Bảo vệ rừng, giữ gìn sự đa dạng sinh học là nhiệm vụ thiêng liêng và đầy tự hào của lực lượng kiểm lâm” - ông Truyền cho biết thêm.
Để mãi là “vàng xanh”...
Chia sẻ với chúng tôi, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Đỗ Thanh Hùng trầm tư: "Không chỉ bảo vệ rừng, nhiệm vụ nâng cao sinh kế cho bà con để hướng tới phát triển bền vững được đặt lên hàng đầu. Hiện Vườn quốc gia Ba Vì đã tổ chức giao khoán bảo vệ 3.350ha rừng cho 150 hộ dân sống gần rừng nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định trên diện tích được nhận khoán, đồng thời có chính sách hưởng lợi từ rừng mà cũng không làm mất đi tính đa dạng sinh học".
Hằng năm, Vườn quốc gia Ba Vì hợp đồng với các hộ dân địa phương trồng phục hồi lại rừng bằng những loài cây bản địa, cây đa tác dụng, cây quý hiếm trên đất không có rừng... nhằm khôi phục lại các hệ sinh thái đã bị mất. Ngoài ra, còn khoanh nuôi tái sinh rừng; xây dựng vườn, bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng. Kết quả đã trồng được 2.157ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 450ha, cải tạo làm giàu rừng được 275ha.
Không chỉ làm tăng độ che phủ của rừng, nhiều địa điểm đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn không thể thiếu của du khách khi đến với Vườn quốc gia Ba Vì như: Vườn cây thuốc 0,5ha; vườn cây mẫu 10ha với 1.300 loài; vườn tre, trúc với 17ha; vườn dừa 7ha với 70 loài cây; vườn cau, vườn xương rồng…
Vườn quốc gia Ba Vì đã được Chính phủ và Bộ NN&PTNT cho phép thí điểm thực hiện đề án cho thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái. Đến nay, đã có 8 đơn vị được cấp phép để kinh doanh loại hình này. Qua 4 năm thí điểm đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét: Đơn vị không phải bố trí cán bộ chuyên trách quản lý bảo vệ cho phần diện tích này, nên dành lực lượng bảo vệ những vùng xung yếu. Qua đó, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương và hình thành thị trường tiêu thụ nông sản, phục vụ phát triển du lịch.
Đặc biệt, việc tăng cường giao lưu văn hóa giữa các dân tộc đã góp phần bảo tồn giá trị văn hóa và tiếp thu khoa học kỹ thuật. Do gắn với các hoạt động du lịch nên các doanh nghiệp tự trồng bổ sung rừng để phát triển du lịch sinh thái. Đây chính là “lợi ích kép”...
Bà Triệu Thị Lan ở thôn Yên Sơn (xã Ba Vì) chia sẻ: "Trước đây, người Dao sống cheo leo trên núi Ba Vì, kế sinh nhai phụ thuộc vào nguồn lợi của rừng như đi rừng kiếm cây thuốc quý để đổi lấy lương thực, thực phẩm; tình trạng đốt nương làm rẫy đã từng diễn ra rất bừa bãi. Tuy nhiên, từ năm 1991-1996, dự án tái định cư, xây dựng làng sinh thái cho 80 hộ dân người Dao tại thôn Sổ; giai đoạn 1994-2003, được sự hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển vườn hộ tại các xã: Vân Hòa, Tản Lĩnh, Ba Vì... đã giúp cho đời sống người dân khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Ba Vì cải thiện đáng kể".
Mới đây, Vườn quốc gia Ba Vì phối hợp với Hội Phụ nữ xã Ba Vì xây dựng 1ha vườn thuốc nam với hơn 150 loài; chuyển giao kỹ thuật nhân giống bảo tồn 2 loài (củ dòm, khôi tía) tại vườn nhà cho hơn 20 hộ đồng bào dân tộc Dao; xây dựng dự án hỗ trợ trồng cây thuốc dưới tán cây ăn quả cho hơn 100 hộ dân vùng đệm... Nhờ đó, đã tạo cho người dân nâng cao thu nhập, giảm áp lực vào tài nguyên rừng.
“Nhờ nỗ lực giữ gìn, bảo vệ “lá phổi xanh” Vườn quốc gia Ba Vì của lực lượng kiểm lâm và chính quyền, nhân dân trên địa bàn mà du lịch Ba Vì ngày càng phát triển; đồng thời được hưởng lợi từ môi trường sinh thái rừng. Không khí trong lành, đa dạng các loài động thực vật, cảnh quan môi trường rừng đẹp, phong phú... đã thu hút đông đảo du khách đến với Ba Vì. Đây thực sự là “mỏ vàng xanh” góp phần để Ba Vì trở thành trung tâm du lịch sinh thái phía Tây Hà Nội” - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.