Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khám chữa bệnh từ xa: Góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn ở bệnh viện tuyến dưới

An Hà| 10/07/2020 14:32

(HNMCT) - Mô hình khám chữa bệnh từ xa được kỳ vọng góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm thời gian, kinh phí đi lại cho người bệnh.

Thay đổi phương thức khám bệnh truyền thống

Đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự chuyển dịch của một mô hình khám chữa bệnh (KCB) mới - KCB từ xa nhằm phát huy lợi ích của công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số, giảm tiếp xúc trực tiếp mà hiệu quả điều trị vẫn bảo đảm. Mô hình này không chỉ là giải pháp tình thế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà là mô hình KCB cần thiết trong tương lai.

Khám chữa bệnh từ xa là mô hình khám chữa bệnh của tương lai.

Trước kia, muốn KCB, hội chẩn với các ca bệnh nặng, bệnh nhân phải di chuyển tới khám trực tiếp. Hiện nay, với công nghệ KCB từ xa, bệnh nhân ở tuyến cơ sở có thể được các chuyên gia đầu ngành khám, hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị.

Giáo sư Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, với những ca bệnh nặng, nếu phải di chuyển một quãng đường xa thì bệnh nhân có thể tử vong ngay trên đường. Nhờ Đề án Bệnh viện vệ tinh và nay là hệ thống hỗ trợ tư vấn KCB từ xa - Telehealth, các bác sĩ tuyến trên có thể hướng dẫn cụ thể và bác sĩ tuyến dưới tự tin thực hiện KCB.

Như trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành, bệnh nhân số 91 - phi công người Anh bị rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng trên nền cơ địa béo phì; bệnh nhân số 19 có bệnh nền là rối loạn tiền đình, rất phức tạp. Nhiều chuyên gia đầu ngành hồi sức tích cực, hô hấp, truyền nhiễm... đã tham gia các cuộc hội chẩn từ xa, nhờ đó đã cứu được bệnh nhân bên bờ vực sinh tử.

Theo Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, mới đây, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Khám chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến trung ương tư vấn, KCB, hỗ trợ chuyên môn; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các bệnh viện xây dựng các chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận dịch vụ, kỹ thuật tốt của các cơ sở y tế.

Nhiều khó khăn cần khắc phục

Không thể phủ nhận hiệu quả tích cực của mô hình KCB từ xa, song, theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai là sự hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện KCB từ xa. Cùng với đó, về việc chi trả cho các bác sĩ tham gia hội chẩn từ xa, cần có chế độ, chính sách phù hợp.

Đáng chú ý, theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, “việc chi trả BHYT cho bệnh nhân cần rõ ràng để tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, đồng thời bảo vệ quỹ BHYT, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên".

Theo ý kiến của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) Nguyễn Mạnh Hổ, cần thay đổi thói quen KCB theo phương thức cũ của người dân cũng như các y, bác sĩ, tạo niềm tin vào cách thức KCB mới. Để giải quyết vấn đề này, cần chuẩn hóa quy trình KCB từ xa; tạo hành lang pháp lý, cơ chế tài chính phù hợp để tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực ở các cơ sở y tế...

Còn Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: Có hai vấn đề chính cần giải quyết là làm thế nào để các bệnh viện tuyến dưới được hỗ trợ tốt về chuyên môn; người dân được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng KCB từ xa vẫn là mô hình KCB của tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khám chữa bệnh từ xa: Góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn ở bệnh viện tuyến dưới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.