Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thác tối đa lợi thế đô thị để phát triển kinh tế đô thị

Hương Ly| 23/04/2021 10:34

(HNMO) - Sáng 23-4, tại Hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt học tập, quán triệt, tuyên truyền về 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã truyền đạt đến đại biểu các nội dung của Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn giới thiệu về Chương trình 03 CTr/TU. Ảnh: Viết Thành

Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, chỉnh trang đô thị là một quá trình của phát triển đô thị, trong đó đô thị được sửa sang, bố cục lại các công trình, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đô thị, từ đó tạo không gian mỹ quan cho khu vực và tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý và hài hòa với không gian kiến trúc, phong cảnh xung quanh, đồng thời thích hợp với sự phát triển chung của khu vực… Phát triển đô thị chính là sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội; hướng tới mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị khá giả hơn, cuộc sống tiện nghi và hạnh phúc hơn.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác chỉnh trang đô thị của nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, giai đoạn 2016-2020, thành phố tiếp tục chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh, đồng thời với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, khu vực phố cổ. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đã đạt 49,2%, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn.

Thành phố cũng đã phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng khung về giao thông, đường sắt đô thị kết nối liên vùng và các khu vực đô thị của thành phố; hoàn thành trồng 1 triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600 nghìn cây xanh. Thành phố cũng đã quan tâm phát triển nhà ở xã hội, hoàn thành cải tạo một số nhà chung cư cũ; thống kê, rà soát, xây dựng quy định quản lý các công trình kiến trúc tiêu biểu, nhà biệt thự để thực hiện bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, lịch sử…

Bên cạnh đó, những hạn chế còn tồn tại là tỷ lệ đô thị hóa còn thấp, phát triển đô thị chưa đồng đều và chưa tương xứng với tiềm năng, tính đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị còn chưa cao; tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông, các nhà máy xử lý rác thải, nước thải, công viên, nghĩa trang, cơ sở hỏa táng còn chậm; việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ còn nhiều vướng mắc…

Bốn quan điểm chỉ đạo thực hiện chương trình

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng nêu rõ 4 quan điểm chỉ đạo thực hiện chương trình. Cụ thể, thành phố sẽ thực hiện quá trình phát triển đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng bền vững, thông minh, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện đồng bộ với việc cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị cũ. Quá trình đô thị hóa phải được gắn liền với việc xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị, kiểm soát dân số.

“Việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và phát triển kinh tế nông thôn phải được gắn kết chặt chẽ với quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch phải đi trước một bước làm cơ sở định hướng phát triển đô thị trong tương lai”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, từ mục tiêu tổng quát, 5 mục tiêu cụ thể và 4 quan điểm chỉ đạo, Chương trình số 03-CTr/TU đặt ra 19 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, 6 nhiệm vụ và 6 giải pháp trọng tâm để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, 6 nhiệm vụ để thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, gồm: Triển khai thực hiện Quy hoạch thành phố Hà Nội; tăng cường chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị; phát triển đồng bộ, hiện đại và mở rộng quy mô hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bền vững; đầu tư mở rộng khu vực đô thị, đô thị vệ tinh. Thành phố cũng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương và văn minh đô thị và khai thác tối đa lợi thế đô thị để phát triển kinh tế đô thị.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng nêu 6 giải pháp trọng tâm để thực hiện chương trình trong giai đoạn 2021-2025, trong đó, sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, nguồn lực, chú trọng đầu tư phát triển chiều sâu; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị…

Giới thiệu 19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển, chỉnh trang đô thị trong giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong quá trình triển khai Chương trình số 03-CTr/TU, thành phố sẽ xác định và chọn ra các điểm nhấn, có tính chất trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở này, thành phố sẽ cân đối nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình số 03-CTr/TU cũng như các chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy khóa XVII.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác tối đa lợi thế đô thị để phát triển kinh tế đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.