(HNM) - Xung quanh câu chuyện Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội vừa được phê duyệt, công bố, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết ngay khi nghiên cứu sơ bộ, các bên tham gia đã tính việc tổ chức thực hiện quy hoạch này cần khoảng 90 tỷ USD, lớn hơn hẳn dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Nguồn lực ở chính đất đai
Người dân Thủ đô xem mô hình quy hoạch chung. Ảnh: Bá Hoạt
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, đã có rất nhiều người đặt vấn đề, đây là đồ án quy hoạch lớn, chắc chắn sẽ phải đầu tư rất nhiều tiền của mới có thể thực hiện. Ngay từ ban đầu nghiên cứu sơ bộ, các bên tham gia đã tính đến việc tổ chức thực hiện đồ án Quy hoạch chung trong những năm tới. Trong giải pháp phát triển, người nghiên cứu quy hoạch phải nghĩ cách để tạo ra nguồn lực, đề xuất cơ chế thu hút nguồn lực chứ không phải làm quy hoạch rồi phải có nguồn tiền từ đâu đó để thực hiện. Hơn nữa, bản chất của phát triển đô thị, nguồn lực ở chính đất đai. Ví dụ, mảnh đất bình thường có thể không có nhiều giá trị, nhưng khi quy hoạch một tuyến đường qua, như đại lộ Thăng Long, thì đất ở đó lên giá. Như vậy, nguồn lực do quy hoạch mà có; có đường sá, có hạ tầng thì đất sẽ có giá. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không đơn giản theo cách hiểu thông thường là đổi đất lấy hạ tầng mà nguồn lực nằm trên chính mảnh đất mà chúng ta phát triển thành đô thị.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, băn khoăn lớn nhất là tổ chức thực hiện, triển khai quy hoạch chung như thế nào trong những năm sắp tới. Hà Nội đang làm 17 quy hoạch phân khu, dưới quy hoạch phân khu là quy hoạch chi tiết, cùng với đó và cụ thể hóa là các quy định về quản lý, đặc biệt là quy chế về quản lý kiến trúc quy hoạch. Quy chế về quản lý kiến trúc quy hoạch rất cụ thể đến từng công trình, từng đường phố, đòi hỏi chính quyền và cộng đồng phải cùng nhận thức thực hiện.
Trục Hồ Tây - Ba Vì tạo điểm nhấn cho đô thị
Liên quan đến trục Hồ Tây - Ba Vì, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân giải thích, trước hết đó là một trục giao thông. Trong đồ án quy hoạch, nhất là đối với phạm vi rộng như Hà Nội nhất định sẽ còn những vùng đất chưa phát triển, thậm chí không phát triển. Bản thân đất đai là nguồn lực, là tài nguyên quốc gia và làm quy hoạch chính là để khai thác nguồn lực đó. Trục Hồ Tây - Ba Vì không phải chỉ để đi đến vùng chân núi Ba Vì. Trục Hồ Tây - Ba Vì khi được vẽ ra còn mang ý tưởng tạo một trục cảnh quan, tạo điểm nhấn cho đô thị (đoạn đường đôi thẳng trong bản vẽ quy hoạch).
Chia sẻ về hệ thống giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, với quy hoạch này, Hà Nội sẽ có hệ thống đường vành đai khép kín gồm Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, nối các trung tâm đô thị, đô thị vệ tinh và liên kết vùng. Đồng thời, Hà Nội sẽ có các trục hướng tâm, dựa trên các quốc lộ hiện có được nâng cấp, mở rộng; có hệ thống đường cao tốc nối Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội đi các tỉnh Ninh Bình đến Thanh Hóa, kết nối Hà Nội với các vùng trọng điểm khác. Đối với giao thông nội đô, bên cạnh các tuyến đường sắt trên cao, một số cầu đã và đang được xây dựng, cầu Nhật Tân dự kiến 2 năm nữa sẽ hoàn thành. Sắp tới, đường cao tốc nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài được khởi công. Sân bay Nội Bài được xây dựng thêm các nhà ga mới, dự kiến có thể phục vụ cho 50 triệu hành khách. Như vậy, trong vòng 10 năm nữa giao thông Hà Nội sẽ có tính đồng bộ và liên kết chặt chẽ.
Có tạo làn sóng mới cho thị trường bất động sản?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng, chắc chắn khi quy hoạch chung được phê duyệt, công bố rộng rãi, tình hình đầu tư bất động sản sẽ có thay đổi lớn. Dựa vào quy hoạch chung, người ta có thể nắm rõ nhiều thông tin về các khu vực đất đai mà mình có nhu cầu đầu tư. Những thứ trước đây vốn rất khó hình dung, nay với mô hình, sa bàn cũng như bản đồ, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn tổng quát, rõ ràng hơn để nghiên cứu và đưa ra sự lựa chọn của mình.
Liên quan đến việc giảm dân số nội đô từ 1,2 triệu xuống 0,8 triệu người (hơn 10 năm nay, việc giãn dân phố cổ, quận Hoàn Kiếm vẫn chưa thực hiện xong), Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết, sẽ phải hình thành những khu đô thị mới có điều kiện bằng hoặc hơn chỗ cũ thì người dân mới đi. Thực tế, ở Hà Nội có nhiều khu đô thị hạ tầng không đầy đủ, thiếu cây xanh, trường học... không hấp dẫn người dân và chuyện giãn dân rất khó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.