Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thác đồng bộ toàn tuyến

Đức Thuật| 06/07/2010 08:01

(HNM) - Ngày 6-4, Bộ GTVT đã có Quyết định số 929/QĐ-BGTVT cho phép Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lập dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Sau 2 tháng, VEC đã hoàn thành báo cáo tóm tắt đầu kỳ, trong đó khẳng định sự cấp thiết của dự án.


Tuyến đường hiện tại sắp đến "ngưỡng"
Tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ hiện nay thường được người dân gọi là đường cao tốc, nhưng chỉ đạt tiêu chuẩn cấp 1 đồng bằng, gồm 4 làn xe chạy, 2 làn xe khẩn cấp... bảo đảm cho xe chạy vận tốc 100 km/h. Số liệu tại Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ cho biết, lưu lượng xe qua tuyến là gần 21 nghìn xe/ngày, đêm (chưa kể xe máy). Theo nghiên cứu của VEC, lưu lượng phương tiện qua tuyến đang tăng nhanh, trong đó có nhiều xe tải trọng lớn. Tuy nhiên, do đi qua vùng đất yếu, nền đường bị lún nhiều trong quá trình khai thác nên mặt đường bị nứt, gãy khúc. Tại một số nút giao đã bộc lộ hạn chế như nút giao với đường Vành đai 3, nút giao Cầu Giẽ. Được gọi là đường cao tốc, nhưng tuyến chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn đường cao tốc. Tốc độ khai thác tối đa hiện nay là 100 km/h, tối thiểu là 60 km/h, trên tuyến chưa có các phương tiện cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp... Trong khi đó, hiện trạng quốc lộ 1A còn kém hơn do nhỏ hẹp, đã sửa chữa nhiều lần. Nếu không sớm nâng cấp hệ thống giao thông cửa ngõ phía Nam này sẽ không đáp ứng được nhu cầu lưu lượng phương tiện đi lại vào năm 2017-2018.

Vì sao nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ?
Vì sao phải nâng cấp, mở rộng tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ hay quốc lộ 1A là câu hỏi đáng quan tâm. Theo VEC, nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ bởi những lý do sau. Mặt bằng tuyến đã được giải phóng theo dải cố định rộng khoảng 40m, nên tại các vị trí đắp thấp vẫn còn dải dự trữ từ 5m đến 10m. Dọc hai bên tuyến chủ yếu là đất nông nghiệp. Thống kê sơ bộ chỉ có 3,05/30km toàn tuyến đi sát khu vực dân cư phải giải phóng mặt bằng (GPMB) liên quan đến đất thổ cư, nhà cửa. Trong khi đó, quốc lộ 1A đi qua khu dân cư đông đúc, sát đường sắt nên việc GPMB sẽ gặp nhiều khó khăn. Về quy hoạch, Pháp Vân - Cầu Giẽ là đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc nâng cấp tuyến này càng có ý nghĩa hơn để đồng bộ với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường Vành đai 3 dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm nay.

Ngày 10-6, Bộ GTVT đã có Thông báo số 235/TB-BGTVT kết luận phương án đầu tư nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ. Theo đó, trước mắt sẽ nâng cấp quy mô đường cao tốc 4 làn xe, phù hợp với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, trong đó có tính tới việc nâng lên 6 làn xe khi có điều kiện. Trên cơ sở đó, VEC đề xuất về cơ bản giữ nguyên quy mô nền đường hiện tại nhưng có cải tạo trong đó xử lý triệt để tình trạng lún nền đường cũng như tại các điểm chuyển tiếp. Mặt đường sẽ thiết kế, cải tạo, nâng cấp đạt cường độ như tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1, bổ sung lớp nhám mặt đường, cho phép xe chạy với vận tốc 100-120 km/h. Dự kiến, tổng mức đầu tư nâng cấp tuyến là 608 tỷ đồng, trong đó chi phí xử lý lún, mặt đường, tổ chức giao thông... là 420 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác đồng bộ toàn tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.