(HNMO) - Sáng 20-10, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể kỳ họp thứ hai theo hình thức trực tuyến.
Dự phiên khai mạc tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đại biểu Quốc hội công tác ở các cơ quan trung ương...
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tham dự kỳ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
62 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự tại điểm cầu tỉnh, thành phố.
Trước khi bước vào phiên khai mạc kỳ họp, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đúng 9h, phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV diễn ra dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, trong thời gian vừa qua, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt đời sống xã hội, gây tổn hại tới sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đại dịch đã làm hơn 21.000 đồng bào, chiến sĩ từ trần, hy sinh, để lại niềm đau thương, mất mát vô cùng to lớn.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội chia sẻ sâu sắc về những tổn thất, mất mát mà nhân dân đã phải gánh chịu. Xin được ghi công, tôn vinh đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã quên mình phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.
Bảo đảm nâng cao chất lượng của kỳ họp
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV diễn ra sau khi Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thành công tốt đẹp; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn.
Ở trong nước, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư với biến chủng mới, lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn, diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó kiểm soát đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.
“Quốc hội chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà nhân dân ta đã phải gánh chịu; tri ân, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh sức khỏe và tính mạng của bản thân, cống hiến hết mình, xung kích vào cả những địa bàn là tâm dịch rất nguy hiểm vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sinh mệnh, sức khỏe, cuộc sống bình yên của nhân dân và sự phát triển bền vững, trường tồn của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp trù bị, các đại biểu Quốc hội đã thống nhất rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp theo tinh thần tiếp tục đổi mới và sáng tạo, vừa tận dụng, tiết kiệm tối đa thời gian, vừa bảo đảm nâng cao chất lượng của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước.
Chủ tịch Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, trên cơ sở thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, đồng thời xuất phát từ lợi ích cao nhất của đất nước, quốc gia và dân tộc, tham gia đầy đủ các phiên họp; để nghiên cứu kỹ lưỡng, phản ánh khách quan, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; chất vấn đúng và trúng các vấn đề trọng tâm, thời sự mà cử tri cả nước quan tâm và biểu quyết, quyết định các vấn đề rất quan trọng thuộc nội dung chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, góp phần làm nên thành công của kỳ họp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước.
Thực hiện linh hoạt các giải pháp phục hồi kinh tế
Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, những tháng vừa qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, với tinh thần vừa có kế thừa, vừa có đổi mới vì chưa có tiền lệ nên phải bám sát yêu cầu thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn theo phương châm “5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của nhân dân”.
“Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch nên công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Điểm lại các kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, Thủ tướng cho biết, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Trong đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng năm 2021 chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.
Thủ tướng cũng nêu những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân khách quan, chủ quan tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt là có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ sẽ tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2022, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 còn có thể kéo dài, thế giới có khả năng sẽ phải chấp nhận sống chung lâu dài với dịch bệnh. Trước tình hình đó, Chính phủ dự kiến kế hoạch năm 2022 có 16 chỉ tiêu chủ yếu, gồm: 15 chỉ tiêu có thể đánh giá theo định kỳ hằng năm trong hệ thống 23 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 được Đại hội Đảng lần thứ XIII, Quốc hội khóa XV thông qua và bổ sung 1 chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân. Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6-6,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.900 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5-25,8%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
Ngoài ra, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 3,5-4%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt khoảng 27,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%. Số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt khoảng 9,4 bác sĩ/1 vạn dân. Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt khoảng 29,5 giường bệnh/1 vạn dân. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 92% dân số. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 73%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt khoảng 89%. Trong khi đó, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt khoảng 91%.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Chính phủ cũng đã đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.