Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai mạc Ligue 1: Kỷ nguyên mới từ những Hoàng tử mới

Theo Bongdaplus| 10/08/2012 10:55

Ligue 1 đêm nay sẽ khởi tranh với rất nhiều nét tươi mới. Và PSG, kẻ trút tiền tấn vào TTCN Hè qua liệu có hoàn thành sứ mệnh vực dậy chính đế chế của mình và thổi sức sống mới cho bóng đá xứ Lục lăng?


Giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, cái tên sân vận động khiến người ta có nhiều cảm xúc hơn cả chính là Công viên các Hoàng tử của PSG. Không phải cảm xúc của bóng đá, mà là cảm xúc của sự lãng mạn từ cái tên ấy. Bóng đá Pháp vốn dĩ bị gán cùng những tính từ: hào hoa, phong nhã nên dễ hình dung, khi hai tiếng “Hoàng tử” vang lên, tất nhiên sẽ có nhiều liên tưởng bay bổng xoay quanh điều đó.

Tân binh Lavezzi (trước) của PSG được kỳ vọng tỏa sáng ở mùa này.


Sau đó, dù cái tên ấy vẫn còn nguyên nhưng một thời kỳ dài Ligue 1 không còn sức mạnh cạnh tranh đúng nghĩa ở Champions League đã khiến cái tên Công viên các hoàng tử mờ dần trong ký ức. Và một thế hệ khán giả mới đã bắt đầu lớn lên, để không cần biết ở Paris có một cái tên lãng mạn như thế nữa.

Hôm nay, có lẽ sẽ là lúc đánh dấu hai tiếng “Hoàng tử” vang lên trở lại trong lòng nhm khi PSG, trong “cơn cuồng điên của mua sắm” (theo đúng nhận xét của tờ Aujourd’hui en France), đã mang về những hảo thủ lừng danh nhất châu Âu. Họ biến một Milan vĩ đại thành “người cùng khổ” và đẩy cả M.U lẫn Inter vào cơn phẫn uất. Chính chủ tịch Moratti của Inter đã phải chỉ trích PSG về chuyện vung 45 triệu euro để chiêu mộ Lucas Moura từ Sao Paulo. Nhưng Moratti đã quên mất rằng, PSG không chỉ dụ dỗ Moura bằng tiền mà còn bằng cả kỹ nghệ chuyển nhượng. Họ chiều lòng cầu thủ trẻ Brazil bằng cách mở cánh cửa vào tháng 1/2013, để Moura có thời gian làm nốt việc anh cần làm ở Sao Paulo: tri ân CLB quê nhà bằng một danh hiệu.

Song tất cả những cái tên lớn như Lavezzi, Silva, Ibra… đều chỉ là vô nghĩa nếu như điều PSG cần làm nhất lại không thực hiện được. Đó chính là khôi phục lại oai danh của Ligue 1 ở châu Âu, nơi mà đã từ quá lâu không có tên các CLB Pháp ở bán kết một cách thường xuyên như hồi thập niên 90. Sứ mệnh của PSG không chỉ là danh hiệu cho họ, mà còn vực dậy vị trí của Ligue 1 trên thang bậc xếp hạng 5 năm của UEFA.

Họ cần phải khơi dậy hào khí cũ, như Marseille đã từng làm được hồi đầu thập niên 90 và chính họ đã tạo dựng được ở giai đoạn 1994-1996. Chính vì lẽ ấy, người Pháp đã không hề nghi ngờ gì về khả năng PSG vô địch Ligue 1 mùa này nhưng lại đặt ra câu hỏi rất lớn: “Sẽ là gương mặt nào ở Champions League năm nay?”.

Những người đầu tư cho PSG là các hoàng thân xứ Ả-rập giàu có và họ cũng hướng đến Champions League chứ không phải chỉ ở cái ao con mang tên Ligue 1. Đó cũng là lý do để chuẩn bị cho mùa giải mới, họ chọn cách thử sức với hai nhà vô địch Champions League gần nhất là Chelsea và Barca. Cái đích mà PSG nhắm đến đã quá rõ. Muốn trở thành một người khổng lồ, phải đọ sức với những kẻ khổng lồ.

Chưa bao giờ Ligue 1 trở thành tâm điểm như hôm nay trong vòng 15 năm qua. Tất nhiên, sẽ có người dè bỉu “chẳng qua là nhờ tiền” nhưng nên nhớ, con đường trở thành một thương hiệu lớn của các CLB vĩ đại châu Âu hiện nay cũng đã và đang tốn rất nhiều tiền. Và sự thu hút mang tên PSG sẽ biến hai tiếng “Hoàng tử” long lanh trở lại khi trên sân bóng của họ sẽ là những “Hoàng tử-cầu thủ” đến từ Argentina, Brazil, Thụy Điển, Italia và tất nhiên là cả Pháp. Họ, bằng sự trợ giúp của những “Hoàng tử Ả-rập giàu có”, sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới cho PSG, cho Ligue 1, từ sự cuồng điên không phải trên thị trường chuyển nhượng, mà trên sân bóng, nơi họ chinh phục những đỉnh cao của những người khổng lồ…

CON SỐ
19. PSG đang muốn học theo St.Etienne bằng cách san bằng kỷ lục của Quỷ xanh: thắng cả 19 trận trên sân nhà ở mùa 1974/75. Mùa trước, PSG mất chức vô địch vì thi đấu không tốt tại sân Công viên các Hoàng tử.

DANH SÁCH TREO GIÒ
Estrada (Montpellier), Civelli (Nice), Mbia (Marseille), Lemoine (St.Etienne), Aboubakar (Valenciennes).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Ligue 1: Kỷ nguyên mới từ những Hoàng tử mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.