(HNMO) - Sáng 6-7, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ mười lăm - kỳ họp giữa năm nhằm xem xét, thảo luận báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 và quyết định một số nội dung theo thẩm quyền.
Dự kỳ họp về phía trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố.
Cùng dự có lãnh đạo đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội...
Ban hành nhiều nghị quyết đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Hà Nội
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, bước vào năm 2020, thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện đặc biệt khó khăn, chưa từng có tiền lệ; dịch Covid-19 bùng phát và nhanh chóng trở thành đại dịch, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cầu và Việt Nam... Cùng với đó, ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi từ cuối năm 2019; thời tiết cực đoan, khô hạn, nắng nóng kéo dài gây thiệt hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân.
Trước những khó khăn, thách thức đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, chủ động, quyết liệt, sáng tạo, tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Thành phố đã bố trí đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, đội ngũ cán bộ y tế, cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu; đến nay, cơ bản đã kiểm soát được bệnh dịch, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm an toàn về tính mạng và sức khỏe của người dân.
Với tinh thần chung của cả thành phố là “Chống dịch như chống giặc” và “Chống trì trệ như chống dịch”, HĐND thành phố đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc đôn đốc, khảo sát, giám sát thực hiện các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của thành phố từ đầu năm đến nay.
Tại kỳ họp lần thứ mười lăm, HĐND thành phố sẽ thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh vô cùng khó khăn đó. Đồng thời, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố ở mức cao nhất.
Nhấn mạnh tình hình hiện nay, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, bên cạnh những kết quả, thành tích đạt được trong 6 tháng qua, việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 tác động. Vì vậy, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị các đại biểu nghiên cứu, phân tích thấu đáo, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, khách quan tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, trên cơ sở đó đưa ra phương hướng, giải pháp hữu hiệu, sát với yêu cầu của thành phố nhằm sớm phục hồi, phát triển kinh tế nhanh, xã hội ổn định sau đại dịch Covid-19, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
Cũng tại kỳ họp này, HĐND thành phố xem xét, thảo luận và thông qua 12 báo cáo và 13 nghị quyết, trong đó có 12 nghị quyết chuyên đề và 1 nghị quyết kiện toàn công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Đáng chú ý, trong các nghị quyết chuyên đề, có những nghị quyết đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Hà Nội, như nghị quyết về mức hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp thôn, tổ dân phố; Nghị quyết hỗ trợ công tác khuyến nông trong tình hình hiện nay nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cuộc sống cho người dân...
Về hoạt động giám sát tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trước kỳ họp, HĐND thành phố nhất trí chọn phương án chất vấn bằng văn bản. Vì vậy, câu hỏi chất vấn sẽ được gửi đến các cơ quan liên quan để trả lời và sẽ được công khai trên báo chí, Trang thông tin điện tử của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố để các cấp, các ngành và cử tri quan tâm theo dõi, giám sát.
“Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của thành phố càng nặng nề thì chúng ta càng phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, gương mẫu, đi đầu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tổ chức thành công Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tôi trân trọng đề nghị các đồng chí, các vị đại biểu HĐND thành phố tiếp tục hiến kế, đóng góp tâm sức, xây dựng nghị quyết HĐND thiết thực, khả thi, đi vào cuộc sống”, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Làm rõ hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để quyết nghị các nhiệm vụ, giải pháp đột phá
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, từ cuối năm 2019 đến nay, tình hình quốc tế và trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động bởi đại dịch Covid-19. Là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, mật độ dân cư đông đúc và có nhiều khách vãng lai, Thủ đô Hà Nội là địa bàn có rủi ro cao và thực tế đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với các địa phương trong cả nước.
Với tinh thần "Chống dịch như chống giặc", Hà Nội đã tiên phong đi đầu và cùng với cả nước khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, được dư luận thế giới, kể cả những nước phát triển ngưỡng mộ, đánh giá cao, coi Việt Nam là hình mẫu trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Nhân diễn đàn của HĐND, đại diện cho cử tri và nhân dân Thủ đô, thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn sự chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; trân trọng cảm ơn sự vào cuộc đầy trách nhiệm, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị thành phố, sự đồng thuận của nhân dân Thủ đô, đặc biệt trân trọng cảm ơn đội ngũ các thầy thuốc, các lực lượng chức năng với tinh thần trách nhiệm, y đức và những nghĩa cử cao đẹp, nhân ái, không quản hiểm nguy, khó khăn, vất vả, đã tận tình tiếp xúc với người bệnh, trực tiếp cứu chữa bệnh nhân, tất cả vì mạng sống con người.
"Việc chiến thắng được dịch Covid-19 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cho Hà Nội thêm động lực, niềm tin và thêm điều kiện thuận lợi để Hà Nội đẩy nhanh quá trình hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội", đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ghi nhận những hoạt động tích cực của HĐND thành phố, Bí thư Thành ủy cho rằng, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng, tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của thành phố. Thời gian qua, Thường trực HĐND, các ban chuyên môn, các tổ đại biểu và các đại biểu HĐND đã chủ động, tích cực tham gia, đóng góp vào việc đôn đốc các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, qua giám sát đã phát hiện những bất cập, vướng mắc phát sinh, kịp thời đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp tích cực, phù hợp thực tiễn để Thành ủy, UBND thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Riêng 6 tháng đầu năm 2020, trong tình hình dịch bệnh, HĐND thành phố đã chủ động, bám sát chỉ đạo của trung ương và yêu cầu thực tiễn của thành phố, tổ chức thành công 2 kỳ họp bất thường, 2 cuộc giám sát và 1 phiên giải trình; đã ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên một số lĩnh vực trọng tâm của thành phố, tạo điều kiện để các cấp, các ngành tổ chức phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như cơ chế, chính sách về mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố năm 2020 đợt 1; sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố...
Trước bối cảnh, tình hình đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020 của thành phố còn rất nhiều khó khăn, thách thức, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu HĐND thành phố, trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, quốc phòng, an ninh của thành phố 6 tháng đầu năm, làm rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để quyết nghị các nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá trong 6 tháng cuối năm 2020 phù hợp yêu cầu và tình hình thực tiễn của Thủ đô.
Đặc biệt, đối với các nghị quyết chuyên đề quan trọng, các cơ chế có tính chất đặc thù của thành phố, HĐND cần phân tích kỹ, làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý, xác định các nội dung cụ thể và phương thức thực hiện khả thi để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, góp phần phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Từ tháng 5, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng cao so với tháng trước
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng thành phố 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, mặc dù đại dịch Covid-19 tác động mạnh, nhưng được sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, các khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dần được tháo gỡ, kinh tế từng bước được phục hồi. Từ tháng 5, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều tăng cao so với tháng trước. GRDP 6 tháng đầu năm tăng 3,39%, mức khá cao so với các tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước; thu ngân sách ước đạt 143.478 tỷ đồng, đạt 51,4% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019…
Thành phố đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án. Trong đó, thành phố đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện năng lực cạnh tranh, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển”, thu hút số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 và 11 lần so với hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016.
Từ đầu năm 2020 đến nay, công tác an sinh xã hội được bảo đảm; huy động được sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác chăm lo cho gia đình chính sách, giảm nghèo; tiếp tục duy trì các hoạt động văn hoá, giáo dục. Khiếu nại, tố cáo được tập trung giải quyết; công tác quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm; đối ngoại tiếp tục được mở rộng…
Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, thành phố đã dự báo và xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất so với kế hoạch năm 2020. Trong đó, kịch bản 1: Tăng trưởng quý III đạt 7,8%, quý IV đạt 8,4%, tính chung 6 tháng tăng 8,14% và dự báo cả năm đạt 5,9% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng cả nước từ 4,4-5,2%); kịch bản 2: Tăng trưởng quý III đạt 6,9%, quý IV đạt 7,4%, tính chung 6 tháng tăng 7,16% và dự báo cả năm đạt 5,4% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng cả nước từ 3,6-4,4%).
Ngoài ra, thành phố cũng triển khai tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII; tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất, cùng với việc làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tận dụng cơ hội chuyển hướng đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài…
Ban hành cơ chế, chính sách kịp thời
Tại kỳ họp, báo cáo về hoạt động của HĐND thành phố 6 tháng đầu năm 2020, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, HĐND thành phố đã hoàn thành 145/152 nội dung công việc theo kế hoạch và 131 nhiệm vụ mới phát sinh.
Trong đó, căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế, trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn, Thường trực, các ban, tổ đại biểu, Văn phòng HĐND thành phố đã chủ động phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng của thành phố xem xét, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách phòng, chống dịch Covid-19, tháo gỡ vướng mắc về phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Thường trực HĐND thành phố cũng tổ chức phiên giải trình về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri; kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn. Ngoài ra, đã triển khai 7 cuộc giám sát, 8 cuộc khảo sát. Cũng trong 6 tháng đầu năm, HĐND thành phố đã tiếp nhận, xử lý 347 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định.
Tại kỳ họp, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Nguyễn Hữu Chính; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đào Văn Cường báo cáo tóm tắt kết quả công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương thông báo về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 và những kiến nghị của cử tri.
Theo đó, từ ngày 1-12-2019 đến hết ngày 31-5-2020, Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội đã thụ lý 19.770 vụ án; giải quyết 11.520 vụ, đạt tỷ lệ 58,27%; so với 6 tháng đầu năm 2019, số thụ lý giảm 406 vụ (tỷ lệ 2,01%), số giải quyết giảm 1.259 vụ (tỷ lệ 9,83%).
Từ đầu năm 2020 đến nay, tỷ lệ yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra, tỷ lệ kiểm sát các vụ việc hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính... đều đạt 100%; tỷ lệ bắt giữ, chuyển khởi tố hình sự đạt 99,95%; tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung đạt 1,3%; tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 93,7%...
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, thời gian qua, HĐND thành phố Hà Nội đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy, cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi; chọn “đúng” và “trúng” các vấn đề quan trọng, cấp bách để giám sát; nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Sự phối hợp hoạt động giữa các cấp HĐND và giữa HĐND với các cơ quan trong hệ thống chính trị thành phố thường xuyên và chặt chẽ. Hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND thành phố ngày càng sát thực tiễn, sát dân, sát cơ sở và phát huy hiệu lực, hiệu quả, khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, thời gian từ nay đến cuối năm 2020 không còn nhiều, nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều việc phải làm, vì thế, tại kỳ họp này, các đại biểu cần đánh giá, phân tích chính xác tình hình, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân nhằm đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, đồng thời quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm của thành phố.
“Thành phố cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cần tận dụng tốt những cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trong Nghị quyết số 115 của Quốc hội, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-8-2020, để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn vào kết quả chung của đất nước”, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị, HĐND thành phố nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng giám sát, đặc biệt là giám sát việc tuân thủ pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp các cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền thành phố Hà Nội. Tập trung giám sát những vấn đề quan trọng, vấn đề nhân dân đang quan tâm, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan thông tin báo chí, cùng nhân dân trong việc xem xét, giải quyết dứt điểm những kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tiếp xúc cử tri để nắm bắt kịp thời tâm tư, ý nguyện của nhân dân, góp phần quan trọng để nâng cao vai trò, vị trí và hiệu quả hoạt động của HĐND.
Trong buổi sáng ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ mười lăm, HĐND thành phố khóa XV đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy kinh tế Thủ đô sau dịch Covid-19 và xem xét, quyết định về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.