Hôm nay (26/12), Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã chính thức khai mạc tại Hà Nội, tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với một số đề án, báo cáo về công tác xây dựng đảng, phát triển KT-XH... Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2011 - 2020; xem xét, quyết định Đề án một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay; cho ý kiến về các Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2011; Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng năm 2011; Báo cáo công tác tài chính Đảng năm 2011; bầu bổ sung Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XI và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban đảng và các cơ quan liên quan khẩn trương chuẩn bị các đề án, báo cáo, tờ trình để gửi Trung ương theo quy chế làm việc.
Thứ nhất, về Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2011 – 2020, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại hội XI của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, trong đó xác định ba khâu đột phá chiến lược là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực; và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Lần này, Hội nghị Trung ương bàn và quyết định vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng chính là để cụ thể hoá, đưa vào cuộc sống một chủ trương rất quan trọng của Đại hội XI.
Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, rất khó, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều vùng, địa phương và cả nước; cần phải xác định rõ phạm vi, mục tiêu, yêu cầu, tư tưởng chỉ đạo thì mới có thể triển khai thực hiện một cách có hiệu quả.
Về đánh giá tình hình, cần thấy cả mặt đã làm được và chưa làm được một cách khách quan; phân tích sâu sắc các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân yếu kém, nguyên nhân chủ quan.
Cùng với việc đánh giá chính xác thực trạng tình hình kết cấu hạ tầng và công tác xây dựng kết cấu hạ tầng thời gian qua, Trung ương cần cho ý kiến về dự báo bối cảnh, yêu cầu đặt ra cho sự phát triển, nêu rõ những thuận lợi, cơ hội và những khó khăn, thách thức, nhất là những mâu thuẫn lớn đang đặt ra. Đó là nhu cầu thì lớn nhưng nguồn lực có hạn; muốn đầu tư tập trung nhưng lại phải giải quyết đồng thời nhiều yêu cầu, mục tiêu phát triển; muốn phát triển nhanh, nhưng lại phải cắt giảm đầu tư công, thực hiện chính sách tài khoá - tiền tệ chặt chẽ và giữ nợ công trong ngưỡng an toàn; việc huy động vốn ODA khó khăn hơn khi kinh tế thế giới bất ổn và nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình...
Trên cơ sở đó, xác định rõ mục tiêu và định hướng phát triển cho thời gian tới theo tư tưởng chỉ đạo của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 là phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu.
Về chính sách, cơ chế và giải pháp, cần chú trọng các vấn đề có tính đột phá, huy động được nhiều nguồn lực của xã hội, cả trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển hạ tầng; khắc phục cho được tình trạng đầu tư dàn trải, chất lượng kém, thất thoát, hiệu quả thấp. Đối với từng lĩnh vực kết cấu hạ tầng cụ thể, ngoài các chính sách, cơ chế và giải pháp chung, cần nghiên cứu xác định trong các quy hoạch ngành, các chính sách, cơ chế, giải pháp riêng. Tập trung vào các nhóm giải pháp về quy hoạch, kế hoạch; huy động và sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động và nội lực hiện có; về phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vị trí then chốt của doanh nghiệp nhà nước; đa dạng hoá hình thức đầu tư, đẩy mạnh thu hút sự tham gia của nhân dân, khu vực tư nhân và đầu tư của nước ngoài vào phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng…
Ảnh: Chinhphu.vn |
Thứ 2, về Đề án một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định, Hội nghị lần thứ tư cần thảo luận, ra Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay".
Sau một thời gian chuẩn bị, căn cứ vào nhận định trong văn kiện Đại hội XI và thực tế tình hình trong nước, thế giới có những diễn biến mới, Bộ Chính trị kiến nghị Trung ương chọn ba vấn đề đang thực sự cấp bách, cần làm ngay, với mong muốn tạo ra được những kết quả cụ thể, rõ rệt để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là: ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, cơ quan, đơn vị.
Từ đó, theo Tổng Bí thư, đánh giá đúng tình hình và nguyên nhân, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu; quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; và những chủ trương, biện pháp phù hợp đối với từng vấn đề và cả ba vấn đề.
Khi đánh giá tình hình và nguyên nhân, cần nhìn thẳng vào sự thật, bình tĩnh, khách quan, không phiến diện; chỉ ra cả mặt thành tựu và yếu kém; phân tích toàn diện cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Về giải pháp, cần xác định những việc cần và có thể làm ngay và những việc cần phải có thời gian chuẩn bị, nhất là về xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, để xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách kiên quyết, khả thi, hiệu quả.
Chúng ta biết rằng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc hệ trọng nhưng rất khó, rất phức tạp, vì nó liên quan đến xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.