Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai mạc Hội nghị cấp cao hợp tác Mê Kông - Lan Thương

HNM| 24/03/2016 06:48

(HNM) - Ngày 23-3 tại thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã diễn ra Hội nghị cấp cao hợp tác Mê Kông - Lan Thương lần thứ nhất với sự tham dự của lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu.


Với chủ đề "Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai", hội nghị đã khẳng định cam kết của 6 nước đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại tiểu vùng Mê Kông, đồng thời đề ra các định hướng lớn cho hợp tác Mê Kông - Lan Thương dựa trên ba trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế và phát triển bền vững, và văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân.

Các nguyên tắc cơ bản của hợp tác là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Trong thời gian tới, hợp tác Mê Kông - Lan Thương sẽ đặt trọng tâm vào 5 lĩnh vực ưu tiên là quản lý tài nguyên nước, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.

Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng sông Mê Kông đối với sự phát triển của các nước ven sông và nhất trí tăng cường hợp tác giữa 6 nước trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông - Lan Thương, coi đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Hội nghị ủng hộ đề xuất xây dựng Trung tâm Hợp tác nguồn nước Mê Kông - Lan Thương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 6 nước trong chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, quản lý lũ lụt và hạn hán, và thực hiện các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mê Kông - Lan Thương.

Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Tam Á "Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mê Kông - Lan Thương", Tuyên bố chung về hợp tác năng lực sản xuất và Danh sách các dự án thu hoạch sớm.

l Chiều 23-3, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mê Kông - Lan Thương, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội kiến với Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề xuất các kiến nghị nhằm triển khai tốt các thỏa thuận và nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước. Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ lo ngại về những diễn biến mới gần đây ở Biển Đông; đề nghị Trung Quốc cùng thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, kiểm soát và giải quyết bất đồng, tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, không để ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung; triển khai tốt các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển giữa hai nước; cùng các nước ASEAN thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), không có các hành động mới gây phức tạp thêm tình hình; xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cảm ơn Chính phủ Trung Quốc đã đáp ứng tích cực đề nghị của Việt Nam về việc gia tăng lưu lượng xả nước từ Thủy điện Cảnh Hồng, Vân Nam xuống hạ lưu sông Mê Kông, góp phần hỗ trợ khắc phục tình trạng hạn hán cho các nước hạ lưu sông Mê Kông.

Thủ tướng Lý Khắc Cường nhất trí hai bên duy trì trao đổi cấp cao, sẵn sàng tăng cường giao lưu nhân dân, phát huy hiệu quả các nhóm công tác, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất sớm có tiến triển, kiểm soát tốt bất đồng, không ngừng đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt đi vào chiều sâu. Đồng thời, Trung Quốc cam kết sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ và phối hợp với các nước liên quan giúp Việt Nam khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với Phó Thủ tướng Liên bang Nga Arkady Dvorkovich.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Hội nghị cấp cao hợp tác Mê Kông - Lan Thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.