Sáng 13-4, huyện Thạch Thất tổ chức Lễ khai hội và kỷ niệm 10 năm chùa Tây Phương được đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Tới dự có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà và đông đảo nhân dân, du khách thập phương.
Thạch Thất là vùng đất cổ, vùng quê có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Với bề dày lịch sử trên 600 năm hình thành và phát triển, Thạch Thất hiện có 209 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Di tích chùa Tây Phương là ngôi chùa duy nhất còn bảo tồn, lưu giữ được hệ thống tượng Phật là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.
Trong sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, Lễ hội chùa Tây Phương có giá trị to lớn, lan tỏa đến đông đảo các Phật tử, nhân dân trong huyện Thạch Thất, cũng như du khách thập phương. Lễ hội diễn ra hằng năm, từ đầu xuân năm mới, ngày chính hội là 6-3 âm lịch và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.
Năm 1962, chùa Tây Phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia; đến năm 2014 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Năm 2015, Bộ tượng Phật chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia
Năm 2022, Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm đến du lịch của thành phố.
Phát biểu tại Lễ khai hội, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng nhấn mạnh, để bảo tồn, gìn giữ và phát huy tốt các giá trị di sản của Lễ hội chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa của Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương; tích cực tuyên truyền, quảng bá xúc tiến hoạt động du lịch với nhiều giải pháp cụ thể, hiệu quả. Tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo, quy hoạch vùng phụ cận của di tích chùa Tây Phương, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và du khách.
Đặc biệt, trong những ngày diễn ra lễ hội, Ban tổ chức lễ hội huyện và UBND các xã, thị trấn cần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích, di vật, chống xâm hại cảnh quan di tích, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn cho du khách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng cho nhân dân địa phương…
Lễ khai hội chùa Tây Phương năm nay diễn ra từ ngày 9 đến 18-4 (tức từ mùng 1 đến 10 tháng Ba âm lịch).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.