(HNM) - Sau khi chính thức ra mắt chiều 9-3, cả hai ứng dụng NCOVI (do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT phát triển) dành cho người dân trong nước khai báo sức khỏe và Ứng dụng Vietnam Health Declaration (do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel phát triển) dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam khai báo y tế nhằm phòng, chống dịch Covid-19 đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của người dùng. Theo cơ quan chức năng, thông tin khai báo y tế giúp việc kiểm soát, phòng, chống dịch hiệu quả...
Thông tin cá nhân được bảo mật
Anh Mạnh Hưng (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) cho biết, lúc 10h ngày 10-3 do chưa thể cập nhật ứng dụng NCOVI từ Google Play (dành cho thiết bị di động có hệ điều hành Android) nên anh đã truy cập vào trang web https://suckhoetoandan.vn/khaiyte để khai báo sức khỏe. “Tuy nhiên, cũng phải mất 2 lần tôi mới nhận được mã xác thực để thực hiện các thao tác khai báo”, anh Mạnh Hưng cho biết.
Gặp vấn đề tương tự, anh Đức Hiệp (Khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng) phản ánh, đến chiều 10-3, nhiều người đã tải được ứng dụng NCOVI về thiết bị di động, song việc khai báo vẫn chưa thực sự thông suốt.
Về vấn đề này, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngày 10-3, cả hai ứng dụng NCOVI và Vietnam Health Declaration dành cho người dân trong nước và người nhập cảnh vào Việt Nam khai báo y tế đã có trên Google Play. Còn với App Store (dành cho người dùng điện thoại iPhone) phải đợi hãng Apple phê duyệt. Người dùng có thể truy nhập vào đường link sau: https://play.google.com/store/apps/details?id=com.vnptit.innovation.ncovi và https://play.google.com/store/apps/details?id=vn.coquan.hd&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30 để tải ứng dụng NCOVI về thiết bị di động hệ điều hành Android. Mọi vấn đề phát sinh trong ngày đầu sẽ được đơn vị chức năng tiếp tục xử lý.
Ứng dụng NCOVI gồm nhiều chức năng như khai báo yếu tố nguy cơ (đi từ vùng dịch, tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh); đăng ký thông tin sức khỏe bản thân và gia đình... Ngoài ra, ứng dụng cung cấp thông tin dịch bệnh ở Việt Nam và trên thế giới, cùng khuyến cáo phòng bệnh.
Với ứng dụng Vietnam Health Declaration, người nhập cảnh vào Việt Nam có thể khai bằng cách quét mã QR qua điện thoại thông minh để nhận đầy đủ các yêu cầu cần khai báo. Các thông tin từ tờ khai sẽ được hệ thống cập nhật về cơ quan quản lý của Việt Nam.
Bên cạnh đó, người dân có thể truy cập vào các website như: https://suckhoetoandan.vn/khaiyte; https://tokhaiyte.vn và làm theo các bước hướng dẫn để khai báo y tế điện tử. Thông tin sức khỏe cá nhân được bảo mật và chỉ sử dụng vào mục đích hỗ trợ cộng đồng. Hệ thống có thể đáp ứng được lưu lượng tải lớn, khoảng 30 triệu người; có khả năng nâng cấp, mở rộng và bảo trì nhanh, dữ liệu được cập nhật và đồng bộ thời gian thực...
Bà Lê Hà, Trưởng phòng Marketing, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Viettel) cho biết, tính từ 0h ngày 7-3 đến 12h ngày 10-3, hệ thống khai báo y tế điện tử Vietnam Health Declaration do Viettel cung cấp đã có 36.775 hồ sơ được khai báo. Ứng dụng này hiện đang triển khai tại 163 cửa khẩu, cảng hàng không phục vụ việc khai báo y tế với người nhập cảnh vào Việt Nam.
Kịp thời hỗ trợ khi cần thiết
Chiều 10-3, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội bắt đầu triển khai việc khai báo sức khỏe. Hình thức khai báo này không bắt buộc với tất cả mọi người dân, mà trước hết thực hiện với một số nhóm đối tượng nguy cơ cao, như người trở về từ vùng dịch, người có tiếp xúc với những ca bệnh dương tính với Covid-19...
"Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc khai báo sức khỏe với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Từ đó, mỗi người sẽ có ý thức và trách nhiệm khai báo trung thực, đầy đủ", ông Khổng Minh Tuấn nói.
Bà Giáp Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng, quận Long Biên cho biết: “Hình thức khai báo y tế này không bắt buộc. Tuy nhiên, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, trên website của phường; qua đội ngũ cán bộ tổ dân phố, y tế phường để hỗ trợ người dân thực hiện việc khai báo”.
Tương tự, ông Đoàn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm cho hay, từ ngày 10-3, quận bắt đầu tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn khai báo sức khỏe. Căn cứ trên thông tin được cập nhật, cơ quan y tế sẽ kịp thời liên lạc, hỗ trợ, theo dõi sức khỏe trong tình huống cần thiết.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), mỗi cá nhân có thể khai báo y tế cho bản thân hoặc giúp cho những thành viên trong gia đình và chịu trách nhiệm về tính trung thực.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thông tin khai báo y tế lưu giữ trên hệ thống mạng, cơ quan thẩm quyền có thể tra cứu trực tuyến, là một trong những công cụ giúp kiểm soát các yếu tố liên quan đến diễn biến dịch. Khai báo y tế là phục vụ phòng, chống dịch, đòi hỏi sự tự giác, sự vào cuộc của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân và cộng đồng. Khai báo trung thực giúp phát hiện sớm, giúp cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời (nếu có ca bệnh), ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.