Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khách nội tìm đường xuất ngoại

Thu Trang| 16/01/2010 07:18

(HNM) - Trong năm 2009, ngành du lịch đã có cuộc

Du khách mua tua khu vực Đông Nam Á tại Vietravel.


Thắng đậm năm 2009

Xuyên suốt năm 2009, chương trình khuyến mãi kích cầu "Ấn tượng Việt Nam" đã mang lại thắng lợi lớn cho ngành du lịch.

Mở đầu, hàng không Việt Nam có chương trình giảm giá đặc biệt lên tới 60% với các chuyến bay nội địa. Tiếp đến là sự vào cuộc của nhiều công ty lữ hành, nhà hàng và khách sạn khiến giá "tua" giảm từ 30 đến 50% so với trước. Giá "tua" giảm, nhiều du khách được hưởng những kỳ nghỉ tuyệt vời, dịch vụ ưu đãi đặc biệt. Anh Tạ Hữu Huân, nhân viên Công ty Xe Buýt Hà Nội tâm sự: "Nhờ có chiến dịch giảm giá trong năm 2009 mà lần đầu tiên gia đình tôi được đi nghỉ ở khách sạn 5 sao, mà trước đây thì chỉ có nằm mơ!". Vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, năm 2009, du lịch nội địa luôn sôi động, đạt 25 triệu lượt người (tăng gần 20% so với năm 2008). Vì vậy, dù khách du lịch quốc tế chỉ đạt 3,8 triệu lượt người (giảm 11,5% so với năm 2008) nhưng tổng doanh thu của toàn ngành vẫn đạt khoảng 68.000-70.000 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với năm 2008). Từ kết quả trên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) khẳng định, chủ trương trong năm 2010 của ngành du lịch vẫn là đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước để phát huy thế mạnh của du lịch nội địa.

Du lịch nội địa giảm sút
Khi chương trình kích cầu giảm giá kết thúc được gần nửa tháng, các công ty du lịch lại đối mặt với giá "tua" sẽ tăng trở lại như trước, tức "tua" máy bay tăng 40%, "tua" đường bộ tăng 15%, thậm chí có thể tăng hơn. Như vậy, giá "tua" trong nước sẽ cao hơn giá "tua" nước ngoài bởi chương trình khuyến mãi của các hãng lữ hành, hàng không Thái Lan, Xingapo, Malaixia, Nhật Bản, Hàn Quốc… kéo dài trong năm 2010. Điều đó dẫn tới xu hướng khách nội chọn đường xuất ngoại.

Với chuỗi ngày nghỉ dài, lại trùng với ngày lễ tình nhân Valentin (14-2) nên thị trường du lịch dịp Tết Nguyên đán năm 2010 sẽ sôi động và thu hút đông du khách. Đây là cơ hội cho ngành du lịch mở rộng du lịch nội địa. Tuy nhiên, hiện tại nhiều công ty lữ hành, trong đó Công ty Du lịch Vietravel Hanoi, lượng khách Việt đăng ký các "tua" Tết ở nước ngoài đã tăng 20% (so với dịp Tết Nguyên đán năm 2009), trong khi các "tua" du xuân trong nước vẫn "giậm chân tại chỗ". Bà Dương Mai Lan, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, Công ty Du lịch Vietravel Hanoi cho biết, mặc dù còn một tháng nữa mới tới ngày khởi hành các "tua" Tết Nguyên đán, nhưng tại Vietravel Hanoi đã có tới 80% số "tua" đi các tuyến du lịch nước ngoài được bán hết. Đặc biệt, tuyến Thái Lan (Băng Cốc - Pattaya) 5 ngày đã bán khoảng 90% số chỗ, tiếp đến là Hồng Kông - Macao khoảng 70%, Malaixia - Xingapo và Campuchia 50%, Trung Quốc 40%, Hàn Quốc - Nhật Bản 40%. Trong khi đó, lượng khách đăng ký các "tua" nội địa mới chỉ khoảng 40%. "Giá "tua" đóng một vai trò rất quan trọng trong việc quyết định lựa chọn "tua" du lịch của các du khách, do vậy điều tất yếu là khi giá "tua" tăng lên sẽ làm giảm khả năng hút khách", bà Lan phân tích.

Tại Công ty Lửa Việt, trong khi các "tua" trong nước vẫn còn "rộng chỗ" thì "tua" đi Thái Lan vào mùng 2 và 3 Tết hiện đã khóa sổ. Năm nay, do giá rẻ nên "tua" Thái Lan bị "cháy" vé. Còn với Công ty V-Travel, lượng khách đăng ký "tua" khu vực Đông Nam Á các ngày mùng 2, 3, 4 Tết đã đạt hơn 70%. Điều này cho thấy, lượng khách nội địa giảm do bị chia sẻ với du lịch ngoài nước.

Cần một chiến lược dài hơi
Trước thực tế trên, tất cả công ty du lịch đều "đỏ mắt" chờ gói kích cầu tiếp theo trong năm 2010. Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, chính sách kích cầu du lịch không chỉ để có khách, tăng lượng khách mà còn phải giữ được chân du khách. Do vậy, chiến lược khuyến mãi cần phải xuyên suốt, lâu dài và không thể mang tính thời vụ. Mặt khác, các hãng lữ hành, hàng không, dịch vụ cần hợp tác chặt chẽ, có giá "tua" ổn định và nên có giải pháp khuyến mãi, nhất là vào mùa thấp điểm. Còn theo bà Lan, hơn ai hết tất cả các công ty lữ hành đều mong muốn chương trình khuyến mãi tiếp tục diễn ra để giá "tua" hạ xuống.

Tuy nhiên, chiến dịch "Ấn tượng Việt Nam" có kéo dài đến năm 2010 hiện vẫn còn là một ẩn số. Bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục Trưởng TCDL cho biết, chương trình "Ấn tượng Việt Nam" ra đời trong năm 2009 để kích cầu du lịch trước ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu và không thể kéo dài sang năm 2010 khi nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi. Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL), có thể kéo dài chương trình "Ấn tượng Việt Nam" nhưng dưới hình thức hỗ trợ khác và tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Còn văn phòng Tổng hợp (TCDL) thông báo, chương trình "Ấn tượng Việt Nam" có kéo dài hay không sẽ có đáp án chính xác tại cuộc họp tổng kết diễn ra vào cuối tháng 1.

Cùng với việc xem xét tìm hướng đi cho gói kích cầu mới, để đạt mục tiêu tăng doanh thu trong năm 2010, TCDL đang tập trung vào chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm. Ngay trong quý I năm 2010, TCDL đã lên kế hoạch tổ chức hàng loạt các hoạt động xúc tiến du lịch như: tham gia vào Hội chợ ITB 2010 tại Berlin (Đức); Hội chợ Du lịch Quốc tế MITT 2010; phát động thị trường du lịch tại Thái Lan -Xingapo - Malaixia. Bởi đây là những thị trường có nguồn khách đến Việt Nam tăng và du khách có khả năng chi trả cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khách nội tìm đường xuất ngoại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.