(HNM) - Các nhà mạng luôn trong tình trạng
Khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ của Viettel. Ảnh: Thanh Hải |
Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng
Trở lại chuyện cũ, "cơn sốt" chiếc điện thoại thông minh iPhone của nhà sản xuất Apple tại thị trường Việt Nam được hai "đại gia" di động công bố có giá từ 0 đồng cho đến vài triệu đồng/chiếc đã "nóng" hầm hập không chỉ trên các diễn đàn mạng, mà còn dẫn đến tình trạng khách hàng chen chúc xem hàng tại các cửa hàng phân phối, nhưng chỉ đến khi nhìn tận mắt, khách hàng mới té ngửa… giá không như ta tưởng! Muốn dùng iPhone giá rẻ, khách hàng buộc phải dùng theo cam kết với những quy định khá chặt chẽ. "Cơn sốt" iPhone ngay sau đó đã nguội lạnh và không ít khách hàng tiếc công đứng chen chân, rồi lại phải ra về vì iPhone không rẻ. Một ví dụ khác, 3 "đại gia" chiếm hơn 90% thị phần Viettel, Mobifone, Vinaphone từng công bố rầm rộ chương trình miễn phí phút gọi nội mạng từ thứ 4 đến thứ 10 dành cho khách hàng và chắc hẳn có một số nhóm đối tượng được hưởng lợi… Song theo các chuyên gia, phần lớn cuộc gọi thường kéo dài không quá 3 phút, hơn nữa, với sự phát triển của ngành viễn thông, còn có nhiều hình thức khác để con nguời giao lưu, trao đổi với nhau, nên nhu cầu "nấu cháo" điện thoại sẽ không nhiều!
Do vậy, nhà mạng vẫn được lợi. Rồi Công ty Viễn thông Viettel đưa ra chương trình VT200, gọi nội mạng chỉ 200 đồng/phút áp dụng tại 12 tỉnh, thành phố. Song nếu đọc kỹ mới thấy, ưu đãi này chỉ kéo dài trong thời gian 6-18 giờ/ngày, khách hàng phải đăng ký trực tiếp tại cửa hàng của Viettel hoặc gửi tin nhắn (đều mất chi phí 5.000 đồng) và chỉ được 1 lần. Mới đây nhất, hai nhà mạng Mobifone và Vinaphone công bố chương trình miễn phí một năm gọi nội mạng và gọi đến các mạng của VNPT từ ngày 20-4-2010, nhưng để được hưởng lợi, ngoài cước thuê bao tháng 50.000 đồng, khách hàng phải đóng thêm 60.000 đồng/tháng và cuộc gọi không kéo dài quá 10 phút. Nếu không đọc kỹ, nhiều khách sẽ bé cái nhầm...
Chống "lách luật": Phải chờ quy định
Được biết, có những thông tin khuyến mãi mà có đọc kỹ cũng không phát hiện được những điều bất lợi cho người sử dụng. Đó là trường hợp của nhà mạng Mobifone, để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 17 của mình, nhà mạng nhiều năm đoạt danh hiệu "Mạng chăm sóc khách hàng tốt nhất" gửi tin nhắn, thông báo thuê bao sẽ nhận được 170% giá trị thẻ nạp nếu nạp thẻ mệnh giá 200.000 đồng trở lên, các thẻ khác nhận 100% giá trị từ ngày 15 đến 17-4-2010. Ngay sau thông tin này, nhiều khách hàng đã nạp thẻ và tá hỏa khi phát hiện chỉ được cộng có 50% giá trị. Chỉ sau khi báo chí phản ánh, nhà mạng này mới giải thích, việc khuyến mãi giá trị tài khoản lớn như kể trên chỉ dành cho hội viên chương trình "Kết nối dài lâu" và nếu hội viên nào chưa được cộng là do hệ thống chậm…
Cách giải thích của nhà mạng rất khó hiểu, khiến khách hàng cảm thấy đấy là chiêu "đối phó"!?. Vì nếu chỉ dành cho thuê bao "Kết nối dài lâu", sao Mobifone không nói rõ trong tin nhắn mà lại nhắn tin chung chung để khách hàng nạp thẻ (nhiều khách hàng nạp thẻ mệnh giá lớn để được ưu đãi tới 170%)? Đáng chú ý, sau khi nạp thẻ, hệ thống ngay lập tức thông báo tài khoản luôn, hầu như không có tình trạng trục trặc. Vậy Mobifone đổ lỗi cho hệ thống kích hoạt tài khoản chậm (theo giải thích do hệ thống được mặc định là chỉ cộng khuyến mãi 50% và sẽ cộng nốt trong vòng 24 giờ) là thật "khéo" vì chỉ khi dư luận lên tiếng họ mới giải thích như vậy!?
Sự việc ầm ĩ như khuyến mãi của Mobifone rồi cũng kết thúc, cho dù có thể khách hàng nào đó tạm coi là bị thiệt thòi nếu không phải là thuê bao "Kết nối dài lâu", nhưng vẫn còn nhiều cơ hội khác nhận khuyến mãi. Nhưng với Mobifone, sự việc xảy ra là điều không hay, làm ảnh hưởng lớn đến nhiều danh hiệu mà mạng này từng không có đối thủ trong nhiều năm, dù cho có bất cứ giải thích nào, nhất là trong bối cảnh các mạng di động cạnh tranh quyết liệt.
Khuyến mãi được coi là một trong những phương thức kinh doanh không thể thiếu của DN. Với khách hàng, DN khuyến mãi càng nhiều… càng tốt và họ chỉ có phản ứng khi quyền lợi không được bảo đảm - đó cũng là tất yếu. Theo quy định, khuyến mãi không được vượt quá 50% giá trị hàng hóa. Nhưng lâu nay, các nhà mạng thường xuyên thực hiện vượt quá quy định này. Thậm chí, để ngăn chặn khuyến mãi tràn lan, liên bộ công thương và thông tin - truyền thông đã bàn đến việc ban hành quy định về khuyến mãi trong viễn thông, nhưng đến nay vẫn chưa thấy văn bản này ra đời! Nếu như để tình trạng khuyến mãi tràn lan, không đúng quy định sẽ xảy ra những hậu quả xấu: chất lượng kém, khách hàng bị thiệt hại, thậm chí có thể gây phá vỡ thị trường, khi đó thiệt hại cuối cùng lại thuộc về người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.