(HNM) - Từ đầu năm 2009 đến nay nhiều trạm 220kV đã đầy và quá tải không còn công suất dự phòng khi xảy ra sự cố, ảnh hưởng lớn đến độ an toàn cung cấp điện.
Việc thi công và sớm đưa vào vận hành các dự án đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp lưới điện, đặc biệt là đối với lưới điện 220kV, 110kV có vai trò quan trọng trong công tác cấp điện cho thành phố Hà Nội, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2011 đến 2015. Trong đó, quan trọng nhất là đưa vào vận hành trạm biến áp 220kV Vân Trì và đóng điện đường dây 220kV Sóc Sơn - Vân Trì để khắc phục tình trạng thiếu điện ở Hà Nội vào mùa hè năm nay.
Kiểm tra, hiệu chỉnh kỹ thuật tại trạm biến áp 220kV Vân Trì. Ảnh: Ngọc Hà |
Cùng tháo gỡ khó khăn
Mặc dù được khởi công từ năm 2008 nhưng do vướng mắc về đền bù nên đến cuối năm 2011, công trình này mới chính thức thi công; vật tư thiết bị đã mua sắm xong, phải gửi tại kho của các nhà thầu cung cấp.
Việc chậm đền bù GPMB có nhiều lý do như: Đoạn qua địa bàn huyện Đông Anh chưa có bản vẽ quy hoạch chỉ giới đỏ nên chưa lập được phương án đền bù, đoạn tuyến từ đầu TBA Vân Trì đến Vành đai 4 chưa thống nhất được hướng tuyến. Đoạn tuyến trên địa bàn huyện Mê Linh phải duyệt lại phương án đền bù do huyện này sáp nhập về Hà Nội nên dân không chịu nhận đền bù theo phương án cũ của Vĩnh Phúc. Riêng 11 vị trí chân móng cột đi qua đất khu công nghiệp Quang Minh lại vướng mắc về nguồn gốc đất nên chưa lập được phương án bồi thường bổ sung. Đoạn tuyến qua địa bàn huyện Sóc Sơn vướng 9 ngôi mộ mới tại phần mở rộng trạm….
Nếu cứ theo trình tự các khâu sẽ bị chậm tiến độ thêm từ 3 đến 6 tháng. Vì vậy, Ban Quản lý các công trình điện miền Bắc (AMB) đã đề nghị thành phố cho phép thu hồi đất thực hiện song song với phương án đền bù. Sau khi kiểm đếm, áp giá, nếu hộ dân tự nguyện nhận tiền thì cho phép chi trả ngay và triển khai thi công. Với diện tích đất xéo méo có diện tích dưới 50m2 sẽ được thu hồi và bàn giao cho huyện quản lý. Phần hành lang tuyến đi qua khu dân cư có khoảng cách không bảo đảm vì theo NĐ 81, khoảng cách tối thiểu từ đường dây tới đất là 18m (trước đó NĐ 106 quy định là 12 m), nay Ban AMB đề xuất nâng cao cột thêm 5m. Đoạn đường dây không qua khu dân cư, không có quy hoạch thì vẫn giữ nguyên thiết kế đã được duyệt.
Hướng tuyến đường dây 220kV Vân Trì - Sóc Sơn, đoạn đầu trạm Vân Trì vướng Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để bảo đảm tiến độ, Bộ Xây dựng đã thống nhất phương án tuyến đường dây 220kV Vân Trì - Sóc Sơn đi song song với đường sắt Hà Nội - Lào Cai, nằm trên dải cây xanh cách ly giữa đường của khu công nghiệp Kim Hoa.
Đóng điện đường dây 220kV Vân Trì - Sóc Sơn và TBA Vân Trì không chỉ đáp ứng nhu cầu phụ tải khu vực phía bắc sông Hồng, truyền tải điện năng cung cấp cho khu vực phía nam Hà Nội từ nguồn thủy điện Sơn La trong giai đoạn sau năm 2012 mà còn là bước đà cho việc triển khai thi công đóng điện các dự án tiếp theo tại địa bàn Hà Nội: đường dây 220kV Vân Trì - Chèm, đường dây 220kV Hà Đông - Thành Công, TBA 220kV Thành Công, TBA 220kV Tây Hồ...
Sự quan tâm của chính quyền
Dự án đi qua 10 xã, thị trấn của 3 huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn trên địa bàn thành phố Hà Nội, trên tuyến dự án đi qua có 60 hộ dân bị ảnh hưởng liên quan đến công tác bồi thường đất vĩnh viễn, nhà cửa và vật kiến trúc, không kể các hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công liên quan đến hoa màu, đường đi… Do đặc thù của khu vực nông thôn cũng như lịch sử khi chưa sáp nhập huyện Mê Linh vào thành phố Hà Nội, tuyến được bố trí đi chủ yếu trên khu vực giáp ranh giữa các huyện Mê Linh - Đông Anh - Sóc Sơn. Trên tuyến cũng như vị trí mặt bằng phần mở rộng trạm 220kV Sóc Sơn có ảnh hưởng và gần một số mồ mả của nhân dân.
Do đặc thù của các dự án lưới điện, đặc biệt các dự án đường dây tải điện (có phần đất thu hồi vĩnh viễn và phần ảnh hưởng của hành lang an toàn), nên công tác GPMB thường gặp rất nhiều khó khăn. Trong những năm qua, giá nhà, đất trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục biến động tăng, do đó ảnh hưởng đến công tác GPMB.
Cũng trong thời điểm xây dựng, trên địa bàn còn có rất nhiều các công trình hạ tầng và kinh doanh khác đang xây dựng, đặc biệt là các công trình trọng điểm như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, khu xử lý rác thải Nam Sơn. Do đặc thù các công trình trọng điểm, các chế độ chính sách được bố trí cho dự án cao hơn dự án đường dây 220kV Vân Trì - Sóc Sơn. Ngoài ra, còn có rất nhiều dự án kinh doanh sản xuất khác như sân golf Sóc Sơn… được chủ đầu tư áp dụng chính sách đền bù cao hơn dự án hạ tầng điện thực hiện theo quy định của Nhà nước và thành phố.
Đây là dự án mà công tác GPMB được giải quyết thấu đáo, hợp tình hợp lý, bảo đảm quyền lợi của dân bị ảnh hưởng bởi dự án một cách nhanh nhất. Thành công này là do sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ; Ban Thường vụ Thành ủy; UBND thành phố; UBND các huyện, các xã có đường dây đi qua.
Công trình TBA 220kV Vân Trì nằm trong danh mục các dự án bảo đảm cấp điện cho thành phố Hà Nội đóng điện thành công đã thể hiện sự quan tâm và quyết tâm hoàn thành các công trình cấp bách trên địa bàn của lãnh đạo thành phố Hà Nội; sự nhiệt tình và năng lực trong công việc đã không quản ngại khó khăn bám sát công trường giải quyết các vướng mắc về thủ tục pháp lý, kỹ thuật... của chủ đầu tư và các nhà thầu thi công.
Đường dây 220kV Vân Trì - Sóc Sơn là một trong hai đường dây cấp điện cho trạm biến áp 220kV Vân Trì. Ngoài ra, cùng với đường dây 220kV Vân Trì - Chèm, đường dây 220kV Vân Trì - An Dương, đây sẽ là một trục truyền tải công suất cung cấp cho trạm 220kV Chèm và 220kV An Dương từ lưới điện 500kV. Công trình sẽ nâng cao đáng kể chất lượng điện cho Thủ đô Hà Nội về điện áp cũng như tính an toàn cung cấp điện trước mắt và lâu dài. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.