(HNM) - Hiện nay, nhiều vị trí quỹ đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có chức năng quy hoạch làm bến, bãi đỗ xe phục vụ cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhưng bị thay đổi thành chức năng khác.
Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) đã quá tải, trong khi dự án xây dựng bến xe mới chậm tiến độ. |
Đã gần 10 năm đi lại bằng xe buýt, ông Lê Văn Thuyết (ngụ tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức) cho hay, việc di chuyển bằng phương tiện xe buýt giúp ông bảo vệ sức khỏe tốt hơn vì không phải hít khói bụi trên đường. Thế nhưng, theo ông Thuyết, hiện nay do bố trí bến xe cách nhà gần 1km nên mỗi lần đi lại rất vất vả.
"Được biết, gần nhà tôi có quy hoạch làm bến xe buýt nhưng chờ nhiều năm nay vẫn chưa thấy xây dựng. Vì vậy, rất mong cơ quan chức năng sớm làm bến xe để bà con đi lại đỡ cực hơn", ông Thuyết bày tỏ.
Theo Quyết định 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, diện tích dành cho bến, bãi vận tải gần 1.146ha với 126 vị trí bến.
Thế nhưng, đến nay TP Hồ Chí Minh mới dành được hơn 20% diện tích đất theo yêu cầu. Cụ thể, hệ thống bến, bãi trên địa bàn thành phố được chia thành 7 loại hình có tổng diện tích bến, bãi hơn 225ha với 35 vị trí, còn thiếu khoảng 920ha và 91 vị trí.
Về vấn đề này, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình tổ chức lập phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, một số quận, huyện đã thay đổi vị trí, quy mô so với quy hoạch chung. Đặc biệt, một số vị trí quỹ đất có chức năng bến, bãi phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt dù đã được đưa vào danh mục đầu tư công nhưng đã bị thay đổi quy hoạch thành chức năng khác.
Đơn cử tại quận 3, theo quy hoạch Ga Hòa Hưng có bến xe buýt. Tuy nhiên, trong quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/2.000) lại không bố trí bến xe buýt trong ga này nên không thể triển khai được dự án. Còn tại quận 7, theo quy hoạch, bến xe buýt được bố trí trong khuôn viên Cảng Tân Thuận thuộc Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn quản lý. Tuy nhiên, Cảng Tân Thuận nằm trong nhóm cảng phải di dời ra khỏi nội thành sau năm 2020. Do đó, việc đầu tư xây dựng bến xe buýt bị động, chưa thể triển khai được…
Nhằm khắc phục thực trạng trên, Sở Giao thông - Vận tải đang đề nghị các đơn vị liên quan, tập trung rà soát, xác định vị trí, quy mô diện tích cụ thể từng bến, bãi làm cơ sở đầu tư theo lộ trình phù hợp. Đồng thời, phát triển các bến, bãi trung chuyển xe buýt gần các nút giao giữa đường trục chính đô thị với tuyến Vành đai 2, Vành đai 3, tạo các điểm thu hút và kết nối các tuyến vận tải hành khách công cộng với nhau, làm cơ sở điều chỉnh mạng lưới tuyến, giảm hệ số trùng lắp…
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh cho hay, Sở đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền các quận, huyện nhanh chóng hoàn tất thủ tục, bố trí đủ nguồn vốn để triển khai đầu tư đúng tiến độ đối với các bến, bãi hiện đã có chủ trương đầu tư.
Đối với các vị trí bến xe buýt được quy hoạch lồng ghép bố trí trong các dự án, các công trình phức hợp, Sở kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư sớm triển khai dự án và giao bến xe buýt để quản lý và khai thác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.