(HNM) - Một số quận của TP Hà Nội đang triển khai lát vỉa hè bằng đá tự nhiên trên nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, một số đơn vị đã thực hiện không đúng yêu cầu kỹ thuật...
Chất lượng thi công chưa bảo đảm
Nhằm sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường, bảo đảm đồng bộ, văn minh và sử dụng lâu bền, thống nhất các công trình hạ tầng ở 12 quận, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các dự án hạ tầng phải thiết kế đồng bộ hào kỹ thuật hạ ngầm đường dây, cáp điện lực, viễn thông, cấp nước… Theo kế hoạch trên, nhiều tuyến phố đang được lát lại vỉa hè, bó vỉa bằng đá tự nhiên, kết cấu bền vững bảo đảm sử dụng 50-70 năm.
Phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) được chọn là tuyến phố kiểu mẫu lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, sau đó nhân rộng ra các địa bàn khác. Đưa vào sử dụng từ tháng 5-2016 đến nay, những viên đá tự nhiên đã có dấu hiệu xuống cấp, vỡ, nứt, hư hỏng. Tương tự, trên tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), các tuyến phố Bà Triệu, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm)... liên tục xuất hiện các điểm vỉa hè lát đá tự nhiên bị vỡ nát, xuống cấp, khiến dư luận bức xúc.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Phùng Văn Khôi (60 tuổi, trú tại số 87 phố Bà Triệu) nhận xét, chủ trương lát vỉa hè bằng đá tự nhiên là rất tốt, vấn đề ở đây là quá trình thi công chưa đúng kỹ thuật dẫn đến đá nứt, vỡ. "Qua quan sát việc thi công, tôi thấy khi rải nền, công nhân trộn tỷ lệ xi măng và cát chưa bảo đảm, lại quá khô không tạo được sự kết dính, nên khi lát đá chưa tạo thành khối vững chắc. Nguyên nhân bong tróc hay vỡ cũng xuất phát từ yếu tố này" - ông Khôi nhìn nhận.
Trên thực tế, điểm yếu của đá tự nhiên là có vết rạn sẵn, nếu đầm nền không tốt sẽ dẫn đến lún, sụt, chỉ một thời gian ngắn, đá sẽ bị vỡ. Chưa kể, có tuyến phố đã được lát đá, sau một thời gian lại thấy bị cạy lên để hạ ngầm đường dây, khi hoàn trả không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật cũng làm cho đá dễ nứt vỡ khi có lực tác động.
Bên cạnh đó, cũng có một yếu tố khác mà như Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng phân tích: Thường phải sau 8-10 tiếng, bề mặt đá và lớp vữa lót mới kết đạt độ cứng kết dính. Song thực tế trên tuyến đường Nguyễn Trãi, nhiều đoạn mới lát đã bị ô tô, xe máy đi lên. Chưa kể, có trường hợp người dân tự đục vỉa hè làm lối lên xuống hoặc có nhiều điểm đỗ ô tô trên vỉa hè đã gây ra hiện tượng nứt, vỡ đá lát.
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà khẳng định, thông tin phản ánh vỉa hè tuyến đường Trung Kính, Trần Duy Hưng vừa lát đá tự nhiên đã bị xuống cấp là không chính xác. Theo ông Hà, vỉa hè các tuyến đường này được lát bằng gạch giả đá cách đây nhiều năm, không phải là chất liệu đá tự nhiên. |
Lập đoàn kiểm tra, khắc phục ngay sự cố
Trao đổi với các cơ quan báo chí, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung cho biết, một số quận, huyện hiểu sai chủ trương của thành phố nên đã tổ chức lát đá ở cả những tuyến phố có vỉa hè bằng gạch đang còn sử dụng tốt. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng đã lập đoàn kiểm tra đánh giá chất lượng việc lát đá vỉa hè hiện nay.
Trên tuyến phố Bà Triệu, Nguyễn Đình Chiểu kéo dài, trong quá trình kiểm tra, Sở đã phát hiện nhiều chỗ bê tông không bảo đảm chất lượng, dẫn đến đá lát bị bong, hỏng khi đưa vào sử dụng; lớp bê tông và đá lát xung quanh gốc cây, trạm điện làm không bảo đảm mỹ quan. Sở Xây dựng yêu cầu đơn vị thi công thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, khắc phục ngay sự cố. Sở cũng tham mưu cho UBND thành phố lưu ý các quận, huyện, chỉ lát đá vỉa hè tại những tuyến phố đã xuống cấp, cần cải tạo, sửa chữa, đồng bộ với việc hạ ngầm đường dây, cáp đi nổi, chỉnh trang đô thị.
Theo ông Lê Hồng Thắng, ngay sau khi xuất hiện hư hỏng trên vỉa hè tuyến đường Nguyễn Trãi, UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo UBND và Công an các phường: Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Trung, Thượng Đình, Khương Trung kiểm tra, quản lý vỉa hè, xử lý các trường hợp vi phạm đi xe lên vỉa hè, đỗ ô tô trên vỉa hè... Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân đã chỉ đạo đơn vị thi công tổ chức rào, chắn đoạn vỉa hè vừa thi công xong, tránh việc các phương tiện đi vào làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Từ thực tế quá trình thi công vỉa hè đường Nguyễn Trãi, để bảo đảm về độ bền, mỹ quan, hạn chế hiện tượng nứt, vỡ..., ông Lê Hồng Thắng đề xuất điều chỉnh kích thước đá khuôn khổ nhỏ hơn nhưng dày hơn nhằm tăng khả năng chịu lực, cụ thể từ 40x40x4cm thành 30x30x6cm hoặc 20x20x6cm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.