Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục nhược điểm, chuẩn hóa hoạt động (tiếp)

Võ Lâm| 16/12/2013 06:09

(HNM) - Một trong những nguyên nhân dẫn đến có ý kiến đề nghị bỏ mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn là do cấp ủy hoặc ban tổ chức cấp ủy chưa nhận thức đúng về Hướng dẫn số 10 của Ban Tổ chức TƯ. Những nhược điểm trong việc tổ chức, hoạt động của mô hình chi bộ này đòi hỏi phải có những biện pháp quyết liệt từ cơ sở.



Trưởng phòng Quận, huyện, thị (Ban Tổ chức Thành ủy) Nguyễn Văn Thân cho biết: "Qua khảo sát, chúng tôi phát hiện có sự nhầm lẫn giữa chi bộ cơ quan với đảng ủy xã, phường, thị trấn ở nhiều nơi". Báo cáo kết quả khảo sát của Ban Tổ chức Thành ủy cũng nêu rõ: Một số đảng ủy xã, thị trấn khi thực hiện việc hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động (trước khi thành lập chi bộ) đã xác định chưa đúng về chức năng, nhiệm vụ. Có chi bộ sau mỗi nhiệm kỳ đều chỉnh sửa quy chế hoạt động nhưng vẫn không phát hiện ra sự nhầm lẫn. Trong khi đó, cấp ủy cấp trên lại thiếu kiểm tra, ít theo dõi, không sơ kết rút kinh nghiệm. "Rất ít ban tổ chức quận, huyện xuống cơ sở làm việc về mô hình chi bộ này. Hình như có sự lãng quên" - Trưởng phòng Quận, huyện, thị nhận xét.

Trong quá trình Ban Tổ chức Thành ủy tiến hành khảo sát (tháng 10-2013), đại diện ban tổ chức nhiều quận, huyện ủy vẫn "kêu" khó xác định chức năng, nhiệm vụ của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn; khó hướng dẫn xây dựng quy chế. Để bảo đảm chắc chắn, vấn đề này đã được Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội xin ý kiến Ban Tổ chức TƯ. Trung ương khẳng định rằng, nhiệm vụ hướng dẫn chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn xây dựng quy chế hoạt động, xác định chức năng nhiệm vụ là của quận, huyện, thị ủy và đảng ủy xã, phường, thị trấn. Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Phan Chu Đức cho biết: Chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn cũng tương đương với chi bộ thôn, tổ dân phố, chỉ khác ở tính chất đặc thù vì hầu hết là cán bộ chủ chốt cùng sinh hoạt; hoạt động của chi bộ này phải là tấm gương cho các chi bộ khác. Việc xây dựng quy chế hoạt động, ngoài hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, các cấp ủy địa phương cần phải căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng.

Bên cạnh đó, chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn còn bất cập về cơ cấu tổ chức nhân sự ban chi ủy. Trong Hướng dẫn số 10, Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ "Bí thư chi bộ cơ quan nên bố trí một đồng chí trong ban thường vụ đảng ủy". Kinh nghiệm thực tế tại các quận, huyện cho thấy, bí thư chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn ít nhất cũng phải là ủy viên ban thường vụ đảng ủy mới đủ uy tín để lãnh đạo, điều hành chi bộ này. Thực tế, trong 576 chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn có 15 bí thư chi bộ đồng thời là bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn (2,6%); 205 người là phó bí thư đảng ủy (34,7%); 125 người là ủy viên ban thường vụ đảng ủy (21,7%); 219 người là đảng ủy viên (38%) và 16 người là đảng viên. Những nơi có đảng viên làm bí thư chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn là Chương Mỹ (2 chi bộ), Sóc Sơn (2 chi bộ), Ba Đình (1 chi bộ), Đống Đa (4 chi bộ), Hai Bà Trưng (2 chi bộ), Hoàn Kiếm (3 chi bộ), Hoàng Mai (1 chi bộ), Sơn Tây (1 chi bộ). Nhân sự bí thư chi bộ không đảm trách các chức vụ rất khó bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ hoạt động. Điều đó cho thấy sự thiếu quan tâm của các quận, huyện, thị ủy đối với mô hình này. Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Phan Chu Đức cho biết sẽ kiến nghị Ban Tổ chức TƯ bỏ chữ "nên" trong Hướng dẫn số 10 để bảo đảm chất lượng nhân sự bí thư chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn.

Không chỉ bất cập về bố trí nhân sự, trình độ bí thư chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn cũng là vấn đề cần quan tâm. Đại diện các quận ủy như Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hà Đông thừa nhận thực tế, nếu bí thư chi bộ là bí thư đảng ủy thì các cuộc họp chi bộ dễ lẫn với họp đảng ủy, bí thư là chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn thì dễ biến thành hội nghị ủy ban, nặng về bàn chuyên môn, ít sinh hoạt Đảng thực sự. Phải chăng đây cũng là lý do dẫn đến việc một số chi bộ không thực hiện đúng yêu cầu tổ chức sinh hoạt chi bộ sau các chi bộ dân cư.

Để khắc phục bất cập này không chỉ cần bố trí nhân sự bí thư chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn đủ tầm mà các quận, huyện, thị ủy cần tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao trách nhiệm của các bí thư chi bộ. Đồng thời chú trọng việc hướng dẫn, tập huấn để bảo đảm từ nhận thức tới chỉ đạo, điều hành của bí thư chi bộ không bị nhầm lẫn. Trưởng phòng Quận, huyện, thị Nguyễn Văn Thân cũng thừa nhận, việc để xảy ra nhiều bất cập ở các chi bộ cũng có phần trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra của Ban Tổ chức Thành ủy. Việc thực hiện chuyên đề "Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn trực thuộc thành phố Hà Nội" chính là nhằm khắc phục bất cập. Tuy nhiên, mấu chốt để cải thiện hoạt động của mô hình chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn là trách nhiệm của các quận, huyện, thị ủy. Sự thiếu quan tâm trong thời gian dài đối với mô hình này chính là nguyên nhân những bất cập chậm được khắc phục, còn những ưu điểm thì mai một. Kết quả thực hiện chuyên đề của Ban Tổ chức Thành ủy là cơ sở khoa học để các quận, huyện, thị ủy bắt tay ngay vào khắc phục những nhược điểm về tổ chức và hoạt động của chi bộ cơ quan xã, phường, thị trấn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục nhược điểm, chuẩn hóa hoạt động (tiếp)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.