Kết quả điều tra dân số những năm gần đây cho thấy, tình trạng mất cân bằng giới tính ở nước ta đang ngày càng gia tăng và hiện đã ở mức độ nghiêm trọng. Thực trạng này cho thấy, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, thiết thực, đồng thời với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, ngành cũng như sự thay đổi nhận thức của người dân, trong thời gian tới Việt Nam sẽ có khoảng 4 triệu nam giới sẽ không lấy được vợ.
|
Tình trạng mất cân bằng giới tính ở nước ta có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy. Ảnh: Thu Giang |
Thừa trai thiếu gái
Báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tại hội thảo cho hay, mất cân bằng giới tính khi sinh đã gia tăng rất nhanh trong khoảng 7 năm trở lại đây. Theo kết quả, điều tra dân số năm 2005, tỷ lệ này là 106 bé trai/ 100 bé gái, đến 2006, đã lên 109,8/100 và tiếp tục tăng cao lên 110,5/100 năm 2009, 111,2/100 năm 2010, 111,9/100 năm 2011 và năm 2012 là 112,3/100. Hiện đã có những địa phương có đến trên 130 bé trai/100 bé gái sơ sinh, mất cân bằng giới tính cực kỳ nghiêm trọng.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, cùng chịu ảnh hưởng bởi quan điểm ưu ái con trai hơn con gái như các quốc gia và vùng lãnh thổ xung quanh (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…) và hiện cũng đang chịu tác động bởi hệ lụy "thừa nam thiếu nữ", tuy nhiên, mức độ gia tăng chênh lệch giới tại Việt Nam lại tăng nhanh và xuất hiện cả ở nông thôn, thành thị ngay từ lần sinh đầu tiên, trong khi điều này hiếm được ghi nhận ở các quốc gia Châu Á khác (thông thường chênh lệch giới tính khi sinh ở các nước Châu Á khác chỉ tăng ở lần sinh thứ 2 và thứ 3). Bộ Y tế cũng cho biết, hiện đang có nhiều phương án để điều chỉnh tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam, trong đó phương án tích cực nhất là tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 115 bé trai/100 bé gái vào 2020, sau đó giảm dần về mức 105/100 vào 2025, còn nếu không can thiệp, tỷ số giới tính khi sinh sẽ tăng lên 125/100 vào 2020 và sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2050, chênh lệch số lượng nam và nữ đến từ 2,3 - 4,3 triệu người theo các kịch bản nói trên.
"Siết" siêu âm chọn giới tính?
Một điều tra thực hiện năm 2010 của ngành y tế cho thấy, 75,2% phụ nữ (15-49 tuổi) sinh con trong 2 tháng trước điều tra có biết giới tính thai nhi trước khi sinh, trong đó 99% biết qua siêu âm, 83% biết khi tuổi thai từ 15 đến 28 tuần. Pháp lệnh dân số ở nước ta đã có quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, song việc thực hiện, theo Tổng cục DS-KHHGĐ là "chưa nghiêm". Siết cơ sở siêu âm thông báo giới tính thai nhi, tránh lựa chọn giới tính là một trong những giải pháp quan trọng đã được đặt ra và quy định hiện hành cũng cấm các bác sĩ siêu âm thông báo giới tính thai nhi cho thai phụ. Tuy nhiên, từ khi có quy định, mới có 5 cơ sở có hành vi vi phạm siêu âm chẩn đoán giới tính ở khu vực Đồng bằng sông Hồng bị phát hiện và xử phạt (Đồng bằng sông Hồng gồm Hà Nội và các tỉnh lân cận có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh rất cao). Những người có trách nhiệm trong ngành cũng đều nói là rất khó xác định ai vi phạm để xử phạt, do thầy thuốc và thai phụ đều có nhiều cách nói tránh.
|
Cần có biện pháp can thiệp kịp thời để tỷ lệ giới tính trở nên cân bằng hơn. |
Tháng 1-2012, Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Y tế làm việc với 10 tỉnh, thành có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất, gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi. Theo đánh giá của các đoàn công tác, mặc dù cấp ủy địa phương đã vào cuộc nhưng tình hình vẫn chưa được kiểm soát và tỷ lệ giới tính khi sinh ở các địa phương này vẫn tiếp tục tăng.
Một chuyên gia của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, phải có những chính sách thiết thực hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời có hệ thống an sinh xã hội bảo đảm để cha mẹ cảm thấy bớt lo lắng khi về già mới có thể giải quyết căn cơ được tình trạng mất cân bằng giới tính. Ở Việt Nam, từ năm 2009, một dự án có mục tiêu hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái được triển khai, đến nay đã có 43 tỉnh, thành tham gia, nhưng dự án mới chú ý đến truyền thông mà chưa đủ tiềm lực để triển khai những chính sách thiết thực. Vì vậy tình trạng mất cân bằng giới tính không những không giảm sau can thiệp, mà ở nhiều địa phương còn có xu hướng tăng. Sau một thời gian dài lao đao vì thừa nam thiếu nữ, hiện nay người Hàn Quốc đã thay đổi được hành vi và tình trạng mất cân bằng giới tính đã giảm về mức bình thường. Can thiệp bằng cách nào cho có lợi nhất để thực hiện mục tiêu cân bằng giới tính trở lại ở Việt Nam là yêu cầu thiết thân, nó không ảnh hưởng đến đời sống hiện tại nhưng ảnh hưởng sau 20-30 năm nữa. Thế nên, nếu không nỗ lực từ bây giờ, có lẽ chúng ta sẽ chậm trễ.