Sáng 1/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, đã chủ trì hội nghị triển khai công tác năm 2014 của Ủy ban.
Sau khi Luật Người cao tuổi (NCT) chính thức có hiệu lực (1/7/2010), đã có nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện công tác NCT được ban hành trong đó có Chương trình Hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012-2020. Đời sống NCT ngày càng được chăm lo tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần; tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội ở địa phương góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội.
|
Vai trò quan trọng của NCT với xã hội, gia đình, cộng đồng
Thống kê của Bộ LĐTBXH cho biết, hiện có hơn 3,3 triệu NCT được hưởng lương hưu, BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng; gần 1 triệu NCT được chúc thọ, mừng thọ, tặng quà hằng năm. Nhiều địa phương đã quan tâm, ưu tiên thực hiện các chính sách giảm nghèo, xóa nhà tạm và các chính sách an sinh xã hội khác đối với hộ nghèo có NCT; hỗ trợ kinh phí cho quỹ và các hoạt động của Hội NCT.
Công tác chăm sóc sức khỏe của NCT được chú trọng, mạng lưới y tế được củng cố từ Trung ương đến địa phương, 59 BV tỉnh đã thành lập Khoa Lão khoa. Trung ương Hội NCT Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và một số cơ quan, địa phương triển khai thực hiện “Chương trình mắt sáng cho NCT”, khám cho 1,5 triệu người, điều trị cho 167.000 người với kinh phí gần 237 tỷ đồng; khám, cấp thuốc miễn phí cho trên 110.000 lượt NCT…
Năm 2013, Hội NCT Việt Nam đã kết nạp được 427.998 hội viên, đưa tổng số hội viên lên 8.078.149 người, chiếm 93,95% NCT trên cả nước. |
Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Cù Thị Hậu cho biết: Qua công tác kiểm tra và báo cáo từ các địa phương cho thấy NCT ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với xã hội, gia đình, cộng đồng. NCT đã tích cực tham gia vào nhiều hoạt động công tác Đảng, chính quyền và đoàn thể (trên 1,2 triệu người); tích cực đóng góp và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (trên 165.000 ý kiến).
Hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hàng trăm nghìn NCT luôn tìm tòi học hỏi, không ngừng sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các nghề thủ công tuyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên 2,6 triệu lượt NCT đã vận động con cháu, gia đình, dòng họ hiến hơn 12,4 triệu m2 đất, 10 tỷ đồng, 5,3 triệu ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi ở nông thôn. Hoạt động bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh trật tự khu vực biên giới, vùng biển đã thu hút 3 triệu lượt NCT và nhân dân tham gia.
Các ý kiến tại hội nghị đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác NCT từ cơ chế, chính sách, kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các cấp hội NCT đến tình trạng một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đúng về công tác NCT, còn coi công tác này là trách nhiệm của Hội NCT...
Bà Cù Thị Hậu nêu thực tế: “Việc thành lập Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT tại xã/phường còn gặp khó khăn do thủ tục và huy động nguồn quỹ ban đầu. Nhiều nơi thành lập quỹ chủ yếu do bản thân NCT tự đóng góp, chưa huy động được nguồn lực xã hội”.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm cho biết hiện có tới 9 tỉnh chưa có kế hoạch triển khai Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2012-2020. Nhiều địa phương chưa chủ động lồng ghép công tác NCT với các hoạt động của ngành, địa phương.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: Năm 2013, công tác chăm sóc NCT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt Hiến pháp 2013 lần đầu tiên đã quy định rất rõ vấn đề tôn trọng, chăm sóc, phát huy vai trò NCT.
“Truyền thống của dân tộc ta là luôn kính già yêu trẻ, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Không chỉ trước đây, mà hiện nay công tác chăm sóc NCT được thực hiện rất tích cực với sự tham gia của MTTQ, các đoàn thể và sau này có thêm Hội NCT”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Chính sách đối với NCT rất quan trọng, thậm chí quyết định đến tình hình của đất nước. Công tác dân số nói chung, công tác chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người lớn tuổi càng ngày càng quan trọng.
Trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam là xây dựng cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện chăm sóc NCT. Vì vậy, Ủy ban cần phải đánh giá, nhận diện những mặt, những vấn đề chưa làm được để tập trung khắc phục.
Theo Phó Thủ tướng, Đảng và Nhà nước có rất nhiều chính sách thể hiện rõ sự tôn trọng, tôn vinh NCT bằng các danh hiệu, các cuộc vận động. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc NCT được cụ thể hóa thông qua việc hỗ trợ NCT cùng con cháu phát triển sản xuất kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống tinh thần… Việc lồng ghép nhiều chương trình chăm sóc NCT, nhất là các chính sách hỗ trợ vật chất, trợ giúp xã hội đã góp phần nâng cao đời sống của NCT.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý việc lồng ghép cần phải hạn chế tác động tiêu cực, rà soát lại các chính sách hỗ trợ trực tiếp để đảm bảo vừa phổ cập theo tiêu chí chung nhưng cũng có đặc thù. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần xem xét để đưa ra hình thức, chính sách phù hợp để huy động được các DN xã hội vào công tác chăm sóc NCT.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo một số vấn đề cụ thể được nêu trong hội nghị như: Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề tổ chức, thành lập các cấp hội NCT tại địa phương; đôn đốc các địa phương đang chậm triển khai thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012-2020; khẩn trương hoàn thiện cơ chế thành lập quỹ của hội NCT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.