Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục bất cập để phát triển

Thanh Hải| 17/01/2017 07:59

(HNM) - 5 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TƯ (ngày 25-4-2011) của Bộ Chính trị


Bất cập ngay từ quy định


Sau 5 năm thực hiện, nhiều chính sách về khoáng sản đã vào cuộc sống, nhưng vẫn còn không ít hạn chế. Đơn cử như quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản đến nay chưa thực hiện được do vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Hoạt động khai thác cát sông Hồng trên địa bàn thị xã Sơn Tây (Hà Nội).Ảnh: Thái Hiền



TS Lê Ái Thụ, Hội Địa chất Việt Nam cho biết, theo Khoản 1, Điều 79, Luật Khoáng sản 2010, hình thức đấu giá gồm: Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. “Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các khu vực chưa thăm dò, về cơ bản là không khả thi, vì cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá cũng không hiểu được “vật mình đem đi bán đấu giá” như thế nào - TS Thụ nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, việc hạn chế doanh nghiệp nước ngoài tham gia góp vốn trong lĩnh vực khai khoáng dẫn đến hệ quả là không nhận được chuyển giao công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến khoáng sản.

Trong khi, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh, sở dĩ Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa tổ chức đấu giá vì còn thiếu điều kiện. Đơn cử, theo quy định, tổng số doanh nghiệp tham gia đấu giá phải là 3, nhưng sau khi bán hồ sơ 4 mỏ công khai năm 2015 thì nhận về trung bình mỗi mỏ 5-6 hồ sơ. Khi lọc hồ sơ, doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu vốn chủ sở hữu phải đạt 50 tỷ đồng. Vì vậy, cả 4 mỏ đều chưa tổ chức đấu giá được. Ông Thanh cũng cho biết, do lần đầu thực hiện nên lúng túng là không tránh khỏi và Bộ sẽ rút kinh nghiệm bổ sung quy định phù hợp hơn.

Xử phạt doanh nghiệp khai báo không đúng

Thực tế, dù đã 5 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TƯ và triển khai Luật Khoáng sản (năm 2010) nhưng đến nay, một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng trong khai thác và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thống kê cho thấy, số địa phương để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn nhiều, nhất là đối với cát, sỏi lòng sông (gần 30 tỉnh, thành), gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong dư luận xã hội. Thêm vào đó, việc khai thác còn sử dụng công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới, gây tổn thất lớn trong quá trình khai thác tài nguyên.

Khắc phục những tồn tại này, ông Vũ Mạnh Hùng, Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, định hướng phát triển về khoáng sản và công nghiệp khai khoáng thời kỳ tới sẽ tiếp tục quán triệt theo mục tiêu của Nghị quyết số 02. Theo đó, cần triển khai các chính sách khuyến khích phát triển hoạt động khoáng sản và công nghiệp khai khoáng thông qua mở rộng quyền lợi cho doanh nghiệp để huy động nguồn vốn xã hội hóa; khuyến khích khai thác tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường; hạn chế tối đa, hoặc dừng khai thác những loại khoáng sản khai thác chưa cho hiệu quả.

Vừa qua Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 158/2016/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Khoáng sản. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-1-2017, kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập đang tồn tại hiện nay. Nghị định đưa ra quy định về chế tài xử phạt đối với những doanh nghiệp khai báo không trung thực về trữ lượng khai thác khoáng sản, bổ sung quy định trách nhiệm lập sổ sách chứng từ, cách tính sản lượng của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải lắp trạm cân và camera tại các điểm khai thác, kho chứa tạm, từ kho chứa tới khu vực chế biến. Điều này sẽ góp phần giảm thiểu việc khai sai, gian lận của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục bất cập để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.