Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục bất cập để Luật Thủ đô thực sự phát huy hiệu quả

Hà Phong| 15/08/2014 05:57

(HNM) - Một năm qua, TP Hà Nội đã triển khai bài bản, hoạt động tuyên truyền về Luật Thủ đô. Nhiều văn bản đã được ban hành, góp phần tạo chuyển biến trên nhiều lĩnh vực...

Tại buổi làm việc với UBND thành phố về việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô trên địa bàn Hà Nội (từ 1-7-2013 đến 1-7-2014) diễn ra ngày 14-8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề nghị các sở, ngành sớm có giải pháp khắc phục.

Chuyển biến rõ rệt trên nhiều lĩnh vực

Áp lực gia tăng dân số đang trên đà suy giảm. Tính đến 1-7-2014, dân số của Hà Nội là 7.385.545 nhân khẩu. Từ việc giảm gia tăng dân số, Hà Nội và các ngành chức năng có thêm điều kiện nâng cao chất lượng đời sống người dân cả về giao thông, môi trường, giáo dục, việc làm, bình đẳng giới, an sinh xã hội… Mới đây, ngày 12-8, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để người tham gia giao thông, trong đó có sử dụng hệ thống giao thông công cộng, được thuận lợi; phấn đấu năm 2014 vận chuyển 480 triệu lượt hành khách. Trong đó, phải tính đến phương án, lộ trình đấu thầu trợ giá đối với 11 tuyến xe buýt (hiện nay đang không trợ giá) để mở rộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân về các vùng ngoại thành như Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ. 

Sau một năm thực hiện Luật Thủ đô, nhiều văn bản đã được ban hành, góp phần tạo chuyển biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, phục vụ mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Ảnh: Vũ Hải


Bên cạnh việc giảm dân số, nâng chất lượng sống, công tác ưu đãi nhân tài cũng được quan tâm đúng mức. Nếu như trước đây, khi chưa có Luật Thủ đô, việc thực hiện còn thiếu bài bản, thiếu cơ chế triển khai đồng bộ thì giờ đã được khắc phục. Các điểm ưu việt làm nên "thương hiệu" của Thủ đô là: Nâng lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức tiêu biểu, đặc biệt là chi trả mức lương cho nhân tài gấp nhiều lần mức lương tối thiểu tính tại thời điểm tuyển dụng. Bên cạnh đó, nhân tài cũng được hỗ trợ mua, thuê nhà theo các chính sách ưu tiên, được hỗ trợ bảo vệ luận văn tốt nghiệp và luận án tốt nghiệp tiến sĩ bằng hàng chục lần mức lương tối thiểu. Nhân tài còn được xét tuyển đặc cách, không áp dụng các điều kiện bắt buộc như hộ khẩu Hà Nội, không phân biệt bằng tại chức hay chính quy. Chỉ tính từ tháng 7-2013 đến nay, thành phố đã tiếp nhận 61 thủ khoa, người tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Hà Nội.

Kết quả chưa đồng đều


Dù vậy, qua khảo sát, việc triển khai Luật Thủ đô ở nhiều quận, huyện, sở, ngành chưa đồng đều. Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Chu Sơn Hà cho rằng, Luật Thủ đô mới có hiệu lực 1 năm nên việc đánh giá hiệu quả tác động cũng như kết quả tuyên truyền đối với người dân Thủ đô và cán bộ, công chức cũng chưa rõ rệt. Trong triển khai, còn có hiện tượng, chính quyền một số cơ sở, cơ quan, ban, ngành nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của nhiệm vụ thực hiện Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cho địa phương. Vì lẽ đó, dù Luật Thủ đô là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với TP Hà Nội, trong đó quy định nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô… nhưng chưa thực sự lan tỏa trong đời sống. Đáng lưu ý hơn nữa, có hiện tượng cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm đối với công tác tuyên truyền pháp luật nói chung, Luật Thủ đô nói riêng mà cho rằng đây là nhiệm vụ của riêng ngành tư pháp nên thiếu sự quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Ngoài ra, có cơ sở chỉ mới coi trọng tuyên truyền nội dung của văn bản luật mà chưa chú trọng các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, đây mới là cơ sở quyết định Luật Thủ đô thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả. Một điểm nghẽn khác cũng đáng chú ý, còn 3 văn bản thuộc thẩm quyền của cơ quan TƯ và 1 nghị quyết của HĐND thành phố hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô chưa được ban hành theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 25-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo giải thích của Sở Tư pháp, nguyên nhân là văn bản của TƯ các bộ, ngành được giao chủ trì chưa triển khai xây dựng. Nghị quyết quy định xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai do HĐND thành phố chịu trách nhiệm cũng chậm triển khai vì văn bản lớn hơn là Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai Chính phủ chưa ban hành, nên thiếu căn cứ thực hiện. Nguyên nhân khách quan là vậy, song theo ông Chu Sơn Hà, Sở Tư pháp cần tham mưu, chủ động tiến hành xây dựng các văn bản, mắc ở đâu, có đề xuất gì cần xin ý kiến hướng dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục bất cập để Luật Thủ đô thực sự phát huy hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.