Nhung ơi, cơm và thức ăn mẹ đã làm sẵn, trưa con hâm lại thức ăn cho nóng rồi hai anh em ăn nhé. Còn hộp, dán được bao nhiêu thì con dán, không cho anh làm, bảo anh cứ học đi... Thế nhé!
-Nhung ơi, cơm và thức ăn mẹ đã làm sẵn, trưa con hâm lại thức ăn cho nóng rồi hai anh em ăn nhé. Còn hộp, dán được bao nhiêu thì con dán, không cho anh làm, bảo anh cứ học đi... Thế nhé!
- Vâng, con nhớ rồi ạ.
Lời mẹ dặn trước lúc đi làm đã trở thành điệp khúc quen thuộc, nghe mãi đôi khi cũng thấy áp lực. Bởi anh trai tôi thi đã hai năm rồi mà vẫn không đỗ đại học. Bố mẹ tôi thì kỳ vọng vào anh nhiều lắm, song điểm thi lần hai của anh lại tệ hơn lần một cho dù anh tôi cũng chịu "dùi mài" lắm. Tôi lo vài năm nữa nếu tôi không thi được đại học thì sẽ thế nào?
Có những lúc, anh rời sách vở, đứng lên uốn lưng, bẻ tay kêu răng rắc rồi ngồi xuống dán hộp cùng tôi. Anh nói: "Càng cố càng thua, lắm lúc anh thấy nản quá, cứ suốt ngày đi học thêm, tốn tiền của bố mẹ mà chẳng có kết quả gì...".
Nhà tôi nhận dán gia công hộp đựng hương vòng. Công việc quanh năm không hết. Sau bữa cơm tối, bố mẹ và chú tôi thường ngồi miệt mài dán cho tới khuya. Chắc nhìn mọi người vất vả, anh tôi cũng thấy buồn.
Rồi một hôm, sau bữa cơm trưa, chú tôi kể câu chuyện về cuộc đời ông nội. Ông thường nói: "Tài thật, bố đâu phải kẻ lười biếng, ấy vậy mà học trước quên sau, chữ nó cứ theo nhau đi đằng nào hết cả, lẹt đẹt mãi chưa qua phổ thông. Ông bà buồn lắm. Thế rồi có một cụ đồ khuyên ông bà nên cho bố nghỉ học, đi làm. Cụ nói: Mỗi người đều có những năng khiếu riêng. Có rất nhiều họa sĩ chẳng bao giờ biết làm một phép tính nào cả. Và cũng có vô vàn kỹ sư, những người cả đời không thể hát đúng, dù chỉ là một nốt nhạc. Nhưng trong mỗi con người đều có một khả năng đặc biệt và cháu đây chắc không phải là ngoại lệ. Từ đó bố không đến trường nữa. Bố nhận làm cỏ và chăm sóc các vườn hoa cho những khu biệt thự. Nhờ chăm chỉ, khéo léo, ngày càng nhiều người mời bố đến làm việc. Họ còn gọi bố bằng biệt danh "Bàn tay xanh". Một hôm, bố đến ủy ban nhân dân huyện. Khu đất rộng thênh thang mà để toàn gạch ngói vỡ. Bố xin phép ông chủ tịch được cải tạo thành vườn hoa. Bố thu gom những cây hoa, cây cảnh thừa từ những khu biệt thự lớn và mua thêm một ít hạt giống. Sau một thời gian, khu đất tồi tàn ngày nào đã trở thành một khoảng vườn xanh mướt cỏ và hoa. Cũng nhờ đó, mọi người biết và tìm đến bố như một người làm vườn thiên bẩm".
- Thấy không? Cả đời ông không biết một câu ngoại ngữ, không thể làm một bài toán lượng giác, nhưng ông vẫn rất tự hào là một người thành đạt trong lĩnh vực nhà vườn. Và quan trọng hơn là ông đã tìm thấy được khả năng đích thực của bản thân. - Chú tôi kết luận.
Câu chuyện dừng lại cũng là lúc ánh mắt của bố mẹ tôi và chú đều nhìn anh tôi như chùng xuống, như thầm đồng ý cho anh. "Hãy tự tìm lấy khả năng của riêng mình". Và anh tôi đã mạnh dạn nói:
- Bố mẹ ạ. Kỳ thi tới nếu không đạt, con sẽ đi làm. Biết đâu trong công việc con cũng sẽ lại tìm ra cho mình một con đường sáng hơn và rộng lớn như ông nội, bởi con cũng không phải là kẻ lười biếng. Bố mẹ hãy tin con.
Cả nhà cùng cười vui, không khí như nhẹ nhõm hẳn đi. Chiếc "màn áp lực" như được mọi người vén lên khiến tôi thấy vui lây và hiểu sâu sắc hơn về những ngả đường của cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.