(HNM) - Nhu cầu cho con em tham gia các hoạt động thể thao hè ngày càng lớn nhưng hiện khả năng đáp ứng của các cơ sở đào tạo còn hạn chế, Hiệu trưởng Trường Thể thao thiếu niên 10-10 Trịnh Hữu Nghị chia sẻ:
- Hiện nay, nhu cầu đăng ký cho con tham gia hoạt động hè của phụ huynh tăng cao, không chỉ thể hiện qua số lượng mà cả về thời điểm đăng ký. Rất nhiều phụ huynh đến xin học ngay từ khi trường chưa tuyển sinh chính thức. Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh ở tuổi mẫu giáo xin vào học tăng đột biến. Điều đó cho thấy các bậc phụ huynh đã thực sự chú ý đến sự phát triển toàn diện cho con em. Tuy nhiên, quá nhiều học sinh đăng ký cũng khiến nhà trường "đau đầu".
Hướng dẫn các em khởi động trước khi xuống nước. |
- Nhu cầu lớn mở ra rất nhiều cơ hội, sao lại nói là "đau đầu", thưa ông?
- Hằng năm, tính cả 3 tháng hè, số học sinh đăng ký tham gia vào khoảng 6.000 em. Năm nay, mới tính đến ngày khai mạc hoạt động hè (1-6), số đăng ký đã vào khoảng hơn 4.000 em. Sắp xếp lịch học, bố trí giáo viên dạy như thế nào là cả vấn đề. Mật độ học sinh quá lớn, mà cơ sở vật chất thì có hạn, chúng tôi không thể chỉ chạy theo nhu cầu, mà phải bảo đảm chất lượng đào tạo. Không nên để các con vào học mà không đủ chỗ tập…
- Từ thế mạnh của nhà trường là dạy bơi, ông thấy cần phải làm gì để đáp ứng nhu cầu thực tế và chính đáng là "xóa mù bơi" cho trẻ em?
- Nhà trường đào tạo 19 môn, nhưng vào dịp hè thì bơi là môn được phụ huynh quan tâm nhất, có lẽ một phần là do tình trạng đuối nước xảy ra khá nhiều. Nhưng chúng tôi không thể tiếp nhận học sinh lứa tuổi quá nhỏ ở môn này bởi nếu xuống nước quá sớm trẻ rất dễ bị ngộp nước, khiến chúng sợ, không dám xuống nước nữa. Vì thế, hè này chúng tôi chỉ nhận dạy trẻ sinh từ năm 2004 trở về trước. Nhiều phụ huynh thích cho con học bơi, nên con sinh năm 2005, thậm chí sinh năm 2007 cũng đăng ký, khai man là sinh năm 2004. Tuy nhiên, khi học sinh vào học, chúng tôi đã phát hiện được và từ chối dạy. Năm nào chúng tôi cũng phải loại vài chục trường hợp như vậy.
Nhằm giúp các em có khoảng không gian cần thiết để học đến nơi đến chốn cũng không thể nhận quá đông học sinh. Với môn bơi, ngoài vai trò của HLV, chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào sự chăm chỉ, kỷ luật tập luyện của các em. Nếu tập đều, đủ giáo án và dạn nước thì cuối vụ các em đã giỏi 3 kiểu bơi dù có thể đầu vụ chưa biết gì về bơi.
- Liệu trong tương lai trường có thể tăng khả năng đáp ứng nhu cầu học thể thao của học sinh Thủ đô không, thưa ông?
- Phải có đủ cơ sở vật chất mới có thể sắp xếp được mọi việc. Trong khi đó, Trường 10-10 không thể mở rộng được, vì nằm lọt thỏm trong khu Giảng Võ, bốn bề là các cơ quan, khu tập thể… Chúng tôi chỉ tận dụng cơ sở hiện có. Năm 2008, quận Ba Đình đã đầu tư một nhà tập 2 tầng. Hiện nay, đã có dự án sửa chữa tổng thể trường với kinh phí tương đối lớn, trên 10 tỷ đồng. Sau 3 tháng hè, dự án sẽ được triển khai. Hy vọng, sau khi nền đất sân bóng đá được cải tạo thành sân cỏ nhân tạo, sàn gỗ nhà tập được thay mới, sử dụng công nghệ mới cho bể bơi… nhà trường sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu học của học sinh.
- Cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.