Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kêu gọi ý thức vẫn chưa đủ!

Bài, ảnh: Thùy Ngân| 15/07/2013 06:50

(HNM) - Vấn nạn đổ rác thải không đúng giờ, đúng nơi quy định gây bức xúc trong nhiều năm qua có được hạn chế và chấm dứt?

Kể từ khi ban hành Quyết định số 3093/QĐ-UB ngày 21-9-1996 về quy định quản lý rác thải, đến nay UBND TP Hà Nội đã hai lần chỉnh sửa và ban hành quyết định thay thế vào năm 2010 và gần đây nhất là ngày 3-6-2013. Có thể nói, bên cạnh sự kiện toàn tổ chức, quy trình làm việc nâng cao hiệu suất, hiệu quả chuyên môn của các đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ vệ sinh môi trường đã làm thay đổi cơ bản diện mạo, cảnh quan thành phố thì vẫn còn tồn tại những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng gây không ít bức xúc cho nhân dân và các cơ quan chủ quản. Đó là tình trạng đổ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định.

Rác dưới biển cấm tại ngõ 25 phố Vũ Ngọc Phan.


Dạo vòng quanh các đường phố tại Hà Nội, dễ dàng bắt gặp các đống rác nhỏ lẻ tại bất kỳ địa điểm nào, từ lòng lề đường đến bờ tường, chân cột điện… Điển hình nhất mà chúng tôi chứng kiến là những túi rác ở dưới gốc cây trước cửa UBND phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa) và đống rác lưu cữu dưới tấm biển cấm đổ rác treo trên bờ tường đối diện UBND phường Láng Hạ (số 79A, ngõ 25 phố Vũ Ngọc Phan)... Còn theo phản ánh của người dân ở các khu dân cư thì tình trạng này diễn ra khá phổ biến trên các ngõ ngách nhỏ, nhất là khu vực vốn là làng xã từ xưa kia như Ngọc Hà, Giảng Võ, Dịch Vọng… hoặc những khu vực có nhà trọ cho thuê thiếu sự nhắc nhở sát sao của chủ nhà và cán bộ dân phố. Thậm chí, ngay cả khi mức tiền phạt ghi trên biển cấm đổ rác cao gấp nhiều lần so với quy định cũng không làm cho người vi phạm ngần ngại bởi việc bắt quả tang, xử lý rất khó khăn.

Theo ông Lê Trung Dũng (Trưởng phòng Tuyên truyền Công ty Môi trường đô thị Hà Nội), hiện công ty ông được giao nhiệm vụ quản lý, duy trì vệ sinh môi trường tại quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Theo quy trình công nghệ duy trì vệ sinh môi trường TP Hà Nội được Sở Xây dựng ban hành thì thời gian thực hiện thu gom sẽ là 18h - 22h hằng ngày. Các ngõ ngách nhỏ không đưa được xe gom rác vào sẽ có thời gian tối thiểu công nhân môi trường phải chờ người dân mang rác ra đổ. Trên các tuyến đường phố lớn, công nhân ứng trực từ 4h30. Ngoài ra, còn có các phương tiện cơ giới thi công thu dọn môi trường như xe quét hút loại lớn đến các xe tải nhỏ có công nhân duy trì vài lượt/ngày cũng không thu dọn triệt để. Bức xúc lớn nhất là vừa quay trước quay sau, chưa hết vòng tua từ đầu phố đến cuối phố đã thêm một đống rác mới. Mặc dù, công ty đã bố trí đặt các thùng rác nhựa 240 lít tại các đầu ngõ, các điểm tập kết rác cũng chỉ khiến tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định thuyên giảm đi chứ chưa thể chấm dứt và ngành môi trường không thể xử phạt vì không có thẩm quyền.

Tình trạng rác thải xuất hiện không đúng nơi quy định khá phổ biến như vậy nhưng hỏi về số lượng biên bản đã lập cho việc kiểm tra xử lý người đổ rác không đúng nơi quy định, hầu như lãnh đạo các phường đều cười trừ hoặc nêu lý do: Có lực lượng đâu mà thi hành. Chế tài quy định việc xử lý thuộc chính quyền địa phương, như thành phần lực lượng như thế nào thì không rõ ràng. Cụ thể, trách nhiệm giao thanh tra xây dựng hay dân phòng tự quản, công an phường càng không, may ra là cán bộ phụ trách trật tự đô thị có thể thực hiện nhưng nếu bắt quả tang thì lại không có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, phải chờ chủ tịch phường.

Ông Vũ Đình Biên, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên cho biết, trước đây phường đã từng xử lý hành vi đổ rác không đúng nơi quy định theo Quyết định 3093/QĐ-UB thông qua việc xé vé phạt trực tiếp theo mẫu vé Sở Tài chính in ấn phát về các địa phương. Nhưng 2 năm nay, ngành tài chính không in loại vé phạt này nữa nên phường cũng khó thực hiện. Còn việc lập biên bản xử lý thì gặp nhiều trở ngại bởi đối tượng vi phạm thường là người lao động làm công, giúp việc cho gia đình, chẳng mang theo gì bên người nên không thể mong giữ hiện vật giá trị để cưỡng chế họ nộp phạt. Kiên quyết lắm chỉ là yêu cầu mang rác về chờ đúng giờ mang ra đổ.

Thiết nghĩ, khi các biện pháp xử phạt "cứng" dường như khó thực thi và ít phát huy hiệu quả mong muốn thì các địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức toàn dân bảo vệ giữ gìn môi trường và có biện pháp quản lý ngay từ gốc phát sinh rác thải bằng cách tạo nên những chuyển biến trong thói quen, nếp sống sinh hoạt của người dân theo hướng thân thiện với môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kêu gọi ý thức vẫn chưa đủ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.