Sáng 26/9, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp đánh giá và triển khai ứng phó với tình hình bão số 4 và lũ đang lên rất cao tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Cuộc họp của BCH Phòng chống lụt bão Trung ương - Ảnh Chinhphu.vn |
Theo thông tin từ Bộ Tham mưu, Bộ đội Biên phòng, cho đến 6h sáng nay đã thông báo cho 31.459 tàu, thuyền với 147.290 người để trú tránh bão.
Đối với tàu cá số hiệu ĐNa 00234 của Đà Nẵng bị hỏng máy từ 9h30 ngày 25/9 khi thả neo tại tọa độ 16,08 độ Vĩ Bắc và 108,19 độ Kinh Đông, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 điều tàu SAR 412 đã ra cứu nạn, hiện chưa có kết quả cuối cùng.
Lúc 16h20 ngày 25/9, thuyền đánh cá của ông Trần Văn Long, Thừa Thiên Huế, có 3 người trên tàu, tàu gặp sự cố chết máy và trôi dạt cách bờ biển 3,4 hải lý thuộc vùng biển Lăng Cô. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế đã điều động tàu cứu hộ nhưng do sóng lớn nên chưa tiếp cận được tàu, hiện tàu vẫn đang giữ liên lạc bằng điện thoại.
18h cùng ngày, tàu cá QNg-95337 – TS bị hỏng máy, trên thuyền có14 người, hiện tàu đã được lai dắt, dự kiến sáng 26/9 về đến cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi.
Hiện nay, các tỉnh, thành phố Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã có lệnh cấm tàu, thuyền ra khơi.
Trong cuộc họp sáng nay của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị tất cả các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo quyết liệt việc kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão và các tàu thuyền ven biển cần tìm phương án neo đậu, gia cố nhà cửa an toàn để giảm thiểu thiệt hại do bão.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các lực lượng tập trung cứu nạn tàu ĐNa 00234 trong ngày hôm nay vì với tốc độ di chuyển và những ảnh hưởng của bão, đêm nay và sáng mai công việc tiếp cận và ứng cứu sẽ khó khăn hơn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu, huy động vật tư, phương tiện, nhân lực để gia cố bờ bao, đê bao, phòng chống sạt lở bờ sông bảo vệ dân cư và diện tích lúa vụ 3, đặc biệt là chống lũ, cứu lúa tại An Giang và Đồng Tháp.
Các địa phương cần chủ động di dời dân cư ở các khu vực sạt lở, ngập sâu để đảm bảo an toàn; khẩn trương thu hoạch các trà lúa đã chín.
Theo báo cáo của các địa phương, đến nay đã thu hoạch được khoảng 85.340ha/609.934ha.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ trên hầu hết các sông miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên đã đạt đỉnh (từ 24/9) và đang xuống.
Do ảnh hưởng mưa của cơn bão số 4, từ chiều và đêm 26/9, mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Nam và khu vực Bắc Tây Nguyên sẽ lên nhanh. Các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, khu vực Bắc Tây Nguyên và thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3.
Lũ hạ lưu sông Mê Kông, đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh và ở mức cao. Mực nước sáng nay đo được tại sông Tiền, Tân Châu đã lên tới 4,62m.
Trong những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh và ở mức lớn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, hồi 10 giờ ngày 26/9 vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 300 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 10 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 27/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 105,1 trên trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 một giờ). Do ảnh hưởng của bão vùng biển quần đảo Hoàng Sa, khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Từ đêm nay (26/9) vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to đến rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy. Hiện nay ở phía Đông quần đảo Philippin một cơn bão mạnh đang hoạt động và có tên quốc tế là NESAT. Hồi 10h ngày 26/9 vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 125,4 độ Kinh Đông, cường độ mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Trong 24h tới bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km một giờ, như vậy khoảng chiều tối và đêm mai (27/9) bão sẽ đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.