Theo thông tin từ Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), kết thúc xét tuyển đợt 1, phần mềm tuyển sinh đã giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp các trường tăng cường kiểm soát thí sinh ảo.
Sau kết quả xét tuyển đợt 1, có 83 trường có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ ngày 15-10-2020 cho đến hết năm 2020.
Những trường này chủ yếu là các trường ngoài công lập, các trường thuộc tỉnh, các trường ở vùng sâu, vùng xa, các trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục mầm non.
Trong thời gian từ ngày 2 đến 4-10, các trường, 2 nhóm trường đã thực hiện xét tuyển lọc ảo. Kết quả đạt được như sau: Nhóm lọc ảo phía Bắc: 52 trường, Trường Đại học Bách Khoa làm trưởng nhóm; nhóm lọc ảo phía Nam: 90 trường, Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh làm trưởng nhóm.
Hệ thống lọc ảo hoạt động ổn định trong suốt thời gian xét tuyển và lọc ảo. Không có hiện tượng nghẽn mạng. Rút kinh nghiệm năm 2018, 2019, ngay từ sớm, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã gửi tin nhắn đề nghị các sở GD-ĐT sớm cập nhật kết quả phúc khảo của thí sinh lên hệ thống phục vụ công tác xét tuyển bảo đảm thí sinh xét sau khi đã có kết quả phúc khảo. Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, đề nghị các sở GD-ĐT thông báo đến từng thí sinh có kết quả phúc khảo thay đổi được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
Theo kết quả xét tuyển đợt 1 (còn tùy thuộc vào tình hình nhập học chính thức của thí sinh), sơ bộ có 161 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu; nếu tính từ mức đạt 70% chỉ tiêu trở lên thì con số này lên tới 205 đơn vị (chiếm 66,55% số đơn vị tuyển sinh).
Vụ Giáo dục đại học đánh giá, số liệu này phản ánh công tác tuyển sinh năm 2020 đã đạt được tiêu chí nhanh gọn, thuận lợi, nhẹ nhàng, hiệu quả… giảm được áp lực cho các đợt tuyển sinh bổ sung.
Thí sinh được đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi. Đặc biệt, sau khi có điểm thi, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng để phù hợp với kết quả thi, các điều kiện tuyển sinh, nâng cao khả năng trúng tuyển vào các ngành, nghề theo nguyện vọng, sở trường.
Quá trình tuyển sinh bảo đảm quyền tự chủ của các trường (xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định điều kiện tuyển sinh, tham gia nhóm hay tuyển sinh độc lập; dự tính tỷ lệ ảo, xác định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển…) theo đúng quy định của pháp luật. Các trường đã minh bạch thông tin trong đề án tuyển sinh, cung cấp thông tin cần thiết cho thí sinh và minh bạch kết quả tuyển sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, kế thừa những thành công năm 2018, 2019, kỳ thi tuyển sinh 2020 đã điều chỉnh một số kỹ thuật nhỏ khắc phục hạn chế, áp dụng công nghệ thông tin triệt để hơn trong tất cả các khâu đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, xét tuyển, xác nhận thí sinh nhập học lên hệ thống để bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa số thí sinh ảo…
Phần mềm tuyển sinh đã phát huy tác dụng cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp các trường tăng cường kiểm soát thí sinh ảo.
Đợt tuyển sinh năm nay có sự phối hợp tốt giữa Ban Chỉ đạo tuyển sinh quốc gia và các trường, nhóm trường trong suốt quá trình thực hiện xét tuyển, bảo đảm quy trình kỹ thuật ổn định.
Bên cạnh đó, hai nhóm xét tuyển chung đã thu hút nhiều thành viên, đặc biệt là hầu hết các trường lớn đã tham gia. Các trường phối hợp thành công để sử dụng chung nguồn tuyển và cơ sở dữ liệu tuyển sinh. Vai trò tích cực của trường chủ trì và sự hợp tác giữa các nhóm trường phát huy tác dụng trong việc triển khai quy trình tuyển sinh thuận lợi, nhanh chóng. Bảo đảm tính thống nhất của nhóm và quyền tự chủ của các trường thành viên, cùng nhau xét tuyển và lọc ảo.
Theo Bộ GD-ĐT, kết quả tuyển sinh đến thời điểm hiện tại bảo đảm các tiêu chí chất lượng, trật tự, an toàn, hiệu quả; điểm trúng tuyển phản ánh chất lượng đầu vào bảo đảm và sự phân loại chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường khá rõ ràng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.