(HNM) - Tình trạng không chính phủ kéo dài tại Bỉ suốt hơn 500 ngày qua đã kết thúc sau bước đột phá mà 6 chính đảng của nước này đạt được trong cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền cuối tuần trước, nhằm chấm dứt những sóng gió trên chính trường bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa cộng đồng nói tiếng Hà Lan (Flander) và cộng đồng nói tiếng Pháp (Wallonia).
Cách đây hơn một năm, chính xác là 540 ngày, sau khi Chính phủ tiền nhiệm đổ vỡ, cuộc bầu cử Quốc hội tại Vương quốc Bỉ kết thúc với thắng lợi thuộc về Liên minh Flemish Mới (N-VA) theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, với thủ phủ là vùng Flander, phía Bắc nước Bỉ. Về nhì trong cuộc bầu cử này là đảng Xã hội với hậu phương là vùng Wallonia phía Nam. Do không có đảng nào giành quá 50% số phiếu nên các đảng buộc phải ngồi vào bàn thương lượng để thành lập một chính phủ liên minh mà trụ cột là đảng N-VA và đảng Xã hội. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc đàm phán căng thẳng, bất chấp việc Nhà vua Albert II nhiều lần chỉ định trung gian hòa giải để dàn xếp đàm phán giữa các chính đảng, đến nay người dân Bỉ vẫn chưa có cơ hội nhìn thấy "bộ mặt" của tân chính phủ. Những bất đồng trong sửa đổi Hiến pháp và phân quyền cho các vùng đã khiến Vương quốc Chocolate trở thành đất nước không có chính phủ lâu nhất thế giới, gần gấp đôi kỷ lục 289 ngày Iraq từng lập hồi năm ngoái. Thậm chí, không ít người đã tính tới khả năng Vương quốc Bỉ sẽ bị chia đôi hoặc học tập mô hình liên bang kiểu Thụy Sĩ - hai cộng đồng nói tiếng Pháp và Hà Lan tự thành lập nhà nước riêng.
Tân Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo. |
Người có công nhiều nhất trong việc xua tan đám mây u ám trên chính trường Bỉ là Chủ tịch đảng Xã hội Elio Di Rupo - chính trị gia được chỉ định đứng đầu liên minh cầm quyền mới bao gồm đảng Xã hội, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và các đảng phái tự do thuộc hai cộng đồng ngôn ngữ. Như vậy, chính trị gia 60 tuổi này sẽ là thủ tướng đầu tiên thuộc một đảng phái trong khối nói tiếng Pháp tại Bỉ trong vòng 32 năm qua.
Theo nhiều nhà phân tích, áp lực cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng hiện nay trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng tạo ra một tác động quan trọng buộc các đảng phái thuộc hai cộng đồng lớn nhất tại Bỉ phải gạt bỏ bất đồng để đi đến một thỏa thuận, liên quan tới vấn đề kinh tế - xã hội, cải cách thể chế nhà nước và chương trình hành động của chính phủ. Các điều khoản trong văn kiện dày hơn 180 trang này, một mặt đáp ứng được đòi hỏi tự trị của khu vực nói tiếng Hà Lan - là nơi có nền kinh tế phát triển hơn và mặt khác, làm an lòng các cử tri nói tiếng Pháp, muốn duy trì một nhà nước liên bang.
Khoảng trống quyền lực kéo dài kỷ lục đã khiến nền kinh tế xứ Chocolate chững lại vì một chính phủ đã từ chức nhưng vẫn tiếp tục điều hành các công việc hằng ngày. Kết quả là, những cải cách kinh tế không được thực hiện, không có ngân sách cho năm 2012, và lãi suất tài chính của các khoản nợ công ngày một tăng cao. Quan ngại ngày càng gia tăng tại quốc gia trên 10,6 triệu dân này khi Standard & Poor's (S&P), một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới, đánh tụt xếp hạng tín dụng của Bỉ từ mức AA+ xuống mức AA vào ngày 26-11 do tình trạng nợ nần của Brussels ngày càng có những dấu hiệu chẳng lành. Trong những ngày gần đây, Bỉ đã được xếp vào danh sách những quốc gia có tỷ lệ nợ vào hàng cao nhất châu Âu, chiếm 95% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tức là, trên cả Tây Ban Nha - quốc gia đang bị liệt vào "nhóm nguy cơ cao" trong Eurozone. Bên cạnh đó, khả năng của Chính phủ Bỉ trong việc ngăn chặn sự gia tăng nợ công, sẽ bị hạn chế do mất đòn bảy tài chính trong khu vực tư nhân và các thị trường thuộc các đối tác thương mại chủ chốt của Bỉ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của S&P, xếp hạng tín dụng của Bỉ là một trong những mức khá nhất tại châu Âu vì Brussels vẫn duy trì thâm hụt ngân sách ở mức tương đối thấp, dự kiến chỉ khoảng 3,6% trong năm nay. Nhưng chính bế tắc chính trị kéo dài đã châm ngòi cho việc quốc gia này bị đánh tụt hạng tín dụng. Nếu không nhanh chóng đưa ra một ngân sách vững chắc, tình trạng của Italia rất có thể sẽ là tương lai gần của Bỉ. Vì thế, bên cạnh việc thu hẹp hố ngăn cách văn hóa giữa hai cộng đồng nói tiếng Pháp và Hà Lan, những thách thức kinh tế mà tân Thủ tướng Elio Di Rupo đang đối mặt là vô cùng to lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.