(HNM) - Sau khi kết thúc bài thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, chiều 27-6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã chủ trì cuộc họp báo đánh giá sơ bộ về công tác tổ chức kỳ thi.
Các thí sinh làm bài thi môn toán. Ảnh: Nhật Nam |
Chủ động kiểm soát các tình huống
Là địa phương có quy mô thí sinh lớn nhất cả nước - gần 80 nghìn thí sinh, Hà Nội đã tổ chức 123 điểm thi với 3.300 phòng thi. Nhằm tạo điều kiện để thí sinh không phải di chuyển quá xa, các điểm thi được bố trí đều khắp 30 quận, huyện, thị xã. Gần 4 nghìn sinh viên tình nguyện đã cùng tham gia hỗ trợ thí sinh về nơi nghỉ trọ, phương tiện di chuyển; phát hàng nghìn chai nước và suất ăn miễn phí...
Với một kỳ thi vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội do đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban, đã phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia.
Đặc biệt, việc phòng, chống gian lận trong kỳ thi được coi là nhiệm vụ quan trọng, bởi vậy, không chỉ tăng cường kiểm tra, giám sát, năm nay hơn 8 nghìn cán bộ coi thi của Hà Nội còn được tập huấn về cách nhận diện các thiết bị điện tử siêu nhỏ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng điểm thi THPT Nguyễn Thị Minh Khai nhận định: Với một số yêu cầu mới của kỳ thi năm nay như phải đăng ký chữ ký mẫu, tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật... mỗi cán bộ coi thi đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình và tuân thủ nghiêm túc quy chế.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi đã được triển khai nghiêm túc ở mọi khâu. 123 điểm thi tại Hà Nội không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Kỷ luật trường thi được duy trì nghiêm túc đến buổi thi cuối cùng. Toàn thành phố có 31 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó có 25 thí sinh tự do và đều bị xử lý nghiêm.
Đánh giá sơ bộ về kỳ thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng: "Các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các trường đại học chuẩn bị tổ chức kỳ thi kỹ càng, nghiêm túc, chủ động có phương án dự phòng, vì vậy đã kiểm soát tốt các tình huống phát sinh. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên cả nước diễn ra suôn sẻ, không xảy ra sự cố nghiêm trọng, không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế; số thí sinh vi phạm là 77, trong đó 73 em bị đình chỉ".
Đáp án ngữ văn mở
Đề thi năm nay có quá khó với thí sinh và đáp án của môn ngữ văn như thế nào khi mà phần lớn các câu hỏi đều mang tính “mở” là nội dung được hỏi nhiều tại cuộc họp báo. Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: Đề thi các môn không nằm ngoài chương trình THPT; mỗi môn có từ 80% đến 85% số câu hỏi trong phạm vi chương trình lớp 12, phần còn lại ở lớp 11. Đề thi các môn đều bao gồm 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao và có cấu trúc như năm 2017 là 60% nằm trong phạm vi kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao, nhằm bảo đảm mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Cũng theo ông Sái Công Hồng, năm nay, để phân hóa thí sinh rõ hơn, đề thi có một số câu tăng độ khó, song vẫn bảo đảm cấu trúc 60% số câu hỏi trong phạm vi kiến thức cơ bản, những thí sinh học lực trung bình vẫn có thể làm được. Riêng với môn ngữ văn, việc sử dụng câu hỏi “mở” đã được áp dụng từ năm 2014 nên không gây bất ngờ với thí sinh.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đáp án từng môn. Riêng với môn ngữ văn, với câu hỏi “mở” thì đáp án cũng “mở” nhằm khích lệ khả năng vận dụng, liên hệ thực tế của thí sinh, song phải bảo đảm không trái với thuần phong mỹ tục và vi phạm pháp luật” - ông Sái Công Hồng nhấn mạnh.
Trước những nghi vấn về việc đề thi một số môn bị lọt ra ngoài, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) xác nhận, có hiện tượng khi môn thi thành phần đầu tiên (môn vật lý trong bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên; môn lịch sử trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội) vừa kết thúc thì đề thi đã xuất hiện ở bên ngoài hoặc lan truyền trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, đề thi xuất hiện sau khi đã kết thúc thời gian làm bài nên không ảnh hưởng đến kết quả thi. Cơ quan công an đang tiếp tục xác minh hiện tượng này.
Ông Mai Văn Trinh cho rằng, do quy chế hiện hành cho phép thí sinh mang thiết bị có chức năng thu (nhưng không thể phát, truyền tín hiệu ra bên ngoài nếu không có thiết bị hỗ trợ) nên có thể có thí sinh tự do chỉ dự thi 1 môn thành phần đã dùng thiết bị này chụp đề thi và đưa ra bên ngoài khi kết thúc giờ thi.
Sau sự việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc việc có nên cho phép thí sinh mang thiết bị có chức năng ghi hình trong kỳ thi năm sau hay không.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có gần 930 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.144 điểm thi; huy động gần 45 nghìn cán bộ, giảng viên của 216 trường đại học, cao đẳng, học viện phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo tổ chức kỳ thi. Tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi lấy kết quả để xét tuyển vào đại học, cao đẳng chiếm gần 75%. Thời gian công bố kết quả thi dự kiến vào ngày 11-7-2018. Thí sinh có nguyện vọng phúc khảo bài thi nộp đơn xin phúc khảo từ sau khi biết kết quả thi đến ngày 20-7-2018. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.